Chơi “ngựa sắt” cần một tinh thần "thép"

(Dân trí) - Để thỏa mãn sự tò mò về dân “phượt” và những con “ngựa sắt”, tôi quyết nhập mình vào đoàn phượt Sidecar Hà Nội lên Tam Đảo, trong tâm thế như một gã “dở người” bất đắc dĩ ấp ủ một “mưu đồ” khám phá.

Chơi “ngựa sắt” cần tinh thần "thép"…

7h30 phút sáng, Hà Nội lất phất mưa xuân. Trên cánh cổng dẫn vào Ciputra Nam Thăng Long, những chú ngựa đá vẫn kiêu hãnh tung vó lên trời. Rất cân xứng, phía dưới, 12 chú ngựa sắt ba bánh tăm tắp một hàng ngang. Xe đã nổ máy, người đã sẵn sàng. Có lẽ hành trình cho một chuyến phượt xa đã được bắt đầu từ trước rồi nếu như cả đoàn không có cuộc hẹn với tôi – cái gã cà tửng vừa ngáp dài vừa khật khừng long nhong từng bước quẩy bộ ra nơi tập kết.

Trước giờ xuất phát
Trước giờ xuất phát

Mười hai cái xe, không có nghĩa là chỉ có 12 con người mà là gấp đôi chừng ấy. Một sự ngạc nhiên ở ngay khoảnh khắc đầu tiên, khi tôi liếc mắt dọc ngang xoi xét bạn đồng hành, hòng mong “kiếm” lấy một người cũng “lơ ngơ” giống mình. Thế nhưng, tuyệt nhiên không. Ngoài những gã đàn ông căng tràn sức sống, cười cười nói nói tưng bừng như Tết (mà đúng là đang Tết thật), thì từ những vị “áp trại phu nhân”; cu chàng “trống choai” mới độ lớp mười, đến cậu nhóc chắc vừa cai sữa – tất cả tự tin và thoải mái như thể cái đại gia đình Sidecar này, họ đã quen quá rồi với những chuyến phượt xa. Không hiểu có phải do tự ái vì bị “bỏ rơi” vào môi trường “chơi” chuyên nghiệp này, hay do ngấm dần tinh thần hăng hái của dân ba bánh mà phút chốc, cú nhẩy của tôi lên thùng xe, xin hứa danh dự, cũng rất điệu nghệ theo đúng kiểu…thể thao mạo hiểm.

“Đi hơn về kém” dân phượt Side car thừa đủ tự tin để không câu nệ vào điều đó. Gần 8h, khi quân số đủ, một hàng dài ba bánh lướt trên cầu Thăng Long. Có vẻ như mưa có nặng hạt hơn nhưng cũng chẳng làm át nổi tiếng pô nổ dòn và nhòe đi những nụ cười trên môi mắt. Một tinh thần có thể nói là “bất chấp thời tiết” - như lời của anh Trần Đắc Thắng – Trưởng đoàn Sidecar Hà Nội nói với tôi trước lúc khởi hành.

Lại nói về vị trưởng đoàn thân thiện này. Chẳng biết có phải “thánh nhân đãi kẻ khù khờ” hay không mà thế nào tôi lại tót được lên đúng xe anh. “Gã” đàn ông tứ tuần, mái tóc đuôi ngựa buộc túm, dáng người lực lưỡng có nụ cười bát ngát hào sảng “đốn tim” nữ giới hóa ra lại là người rất chu đáo và hay chuyện. “Gã” khoái trí “khoe” với tôi biệt danh “con của thần mưa” mà anh em đặt cho, vì lần nào gã dẫn đoàn thì y như rằng, trời lại xúc động nghẹn ngào mà trút ra hàng đống nước. Có lẽ bởi bản tính người “mệnh Thủy” tận tình và cẩn thận mà suốt cuộc hành trình, Sidecar của gã luôn chạy dưới cùng. Đoán biết ý của tôi, gã cười lớn “Sidecar có nguyên tắc là trong suốt chặng hành trình, anh em phải tương trợ nhau. Những ai càng biết nghề, rành các “chứng bệnh” Sidecar sẽ chủ động lùi xuống phía dưới đề phòng trường hợp các xe trên hỏng còn nhanh chóng khắc phục”.

Trước giờ xuất phát
Những con đường mà những hội viên Sidecar Hà Nội đã từng đi trước đó, nó khác xa với với những con đường rừng tiểu thuyết kiểu “rừng Na Uy”

Thì ra là vậy! Thảo nào, trên suốt chặng, từng tuy đường leo dốc ngoằn nghèo nhưng các gã vẫn bám nhau rất sát. Những xe có đèn sáng hơn đi trước, những xe còn lại đi sau. Sự nhanh chậm từng xe khác nhau, nhưng một quy tắc thống nhất trên lộ trình vẫn được đảm bảo. Chẳng ai ngăn cản những phút đam mê của từng tay lái, vẫn có những pha “bốc thùng" điệu nghệ, vẫn có những pha vỉa đèo bật tim những kẻ yếu vía ngồi bên, nhưng có một sự an toàn trong từng động tác xử lý. Đó vừa thỏa mãn niềm đam mê riêng nhưng cũng rất chú ý giữ an toàn cho cả đội. Chẳng ai nói ra, nhưng tôi biết nó là tinh thần lóe lên khí chất rất riêng biệt, rất Sidecar Hà Nội.

Càng vút lên đỉnh Tam Đảo, ở những khúc cua gấp, tôi càng chắc chắn thêm điều đó. Trên cái đỉnh mùa đông ken đặc sương mù, những con đường mờ mờ nhân ảnh hiện ra, cách ba mét trước và sau chỉ là những chấm li ty mầu trắng. Thú thật, được “nhốt” mình trong thùng và ngắm cảnh vật lươn lướt qua mắt ướt, cảm giác vừa ngây ngất vì đẹp mà cũng run run vì ..sợ. Nhưng hình như, chính cái cảm giác được ngắm vẻ đẹp trong sự hồi hộp, cam go mới làm thỏa mãn, làm “đã” khí chất của những người liều mình yêu Sidecar. Nó khác hẳn cái cách bạn cảm nhận thiên nhiên qua những tour đã được lên lịch trình gọn gàng như kiểu bữa tiệc đã dọn sẵn đâu vào đấy. Với chủ nhân của những chiếc ba bánh này, niềm vui ngắm cảnh đẹp thiên nhiên phải hòa mình với niềm vui chế ngự những chú ngựa sắt, đồng thời là chế ngự bản thân. Đó hẳn là một sự vượt qua thử thách, đồng thời cũng là để vượt lên chính mình.

Vì vậy mà tôi dần dần vỡ ra cái nguyên nhân các “lão” lại cứ thích tiến quân bằng đường rừng, trên những con đường càng khó, càng hiểm thì càng thích. Bởi lẽ vệt đường rừng hoang sơ trên Tam Đảo, hay những con đường mà những hội viên Sidecar Hà Nội đã từng đi trước đó, nó khác xa với với những con đường rừng tiểu thuyết kiểu “rừng Na Uy” - nơi có sự nhẹ nhàng lãng mạn êm như tuyết song cũng chóng tan như …bột. Những con đường của dân chơi “ ngựa sắt” này tìm đến càng hiểm trở càng khơi dậy những đam mê, để mỗi người có thể tôi luyện thêm tinh thần “thép”.

…Và cả những tấm lòng rực cháy yêu thương

Một ngày băng đèo cùng Sidecar, thú thật, cái sự tìm hiểu kiến thức xe cộ của tôi vẫn nhì nhằng ở con số 0, cho dù đã được các “sư phụ” truyền cho khá nhiều “bài”. Có lẽ cái lạnh của gió sương hay độ cao ngàn mét so với mực nước biển đã làm đầu óc tôi truội sạch sành sanh những thuật ngữ khá “ lằng nhằng”. Nghe có vẻ hơi …AQ, song có lẽ đó là lý do tôi đổ bừa, để rồi sau đó lại thấy mình phấn chấn hẳn.

Chơi ngựa sắt cần một tinh thần thép
Chơi "ngựa sắt" cần một tinh thần "thép"

Nhưng có một sự phát hiện, không AQ, không ngộ nhận một chút nào, đó là, những người bạn đồng hành của tôi trong chuyến đi, những con người tưởng như khô khan ấy lại là những người tình cảm. Hay chính xác hơn, sâu thẳm bên trong con người họ là chất chứa sự bi mẫn. Bởi thế từ lâu tôi đã được nghe đồn rằng, trong mỗi chuyến đi, hội này rất “khoái” làm từ thiện. Làm một cách tự nguyện, tích cực và nhưng không chút khoa trương.

Chẳng vậy mà dù cho tôi có cố “vòi” tin, thì tất cả mọi người đều chỉ mỉm cười im lặng. Chỉ đến khi cái sự “ăn vạ” của tôi lên tới đỉnh điểm, các “lão” mới chịu nhả ra một ít. Khuôn mặt rạng ngời, các “lão” kể về những chuyến băng đèo lội suối. Ấy là lần về tặng máy tính cho trường tiểu học ở Bản Bun – Mộc Châu; cùng với HOG Hà Nội mò tít xuống cái xã sâu nhất, nghèo nhất của Hương Sơn – Hà Tĩnh để tặng trẻ em xe đạp hay tham gia vào chương trình phát triển đàn gia súc ở Lô Lô Chải – Lũng Cú – Đồng Văn. Lần nào đi cũng ngây ngất với cảnh đẹp và tình người bản địa. Cứ thương thương nhớ nhớ để đến nỗi nói như anh Tâm – một thành viên lâu năm trong hội chơi “đã đi là quyến luyến chẳng muốn ra về”.

Dứt cuộc hành trình thì cũng đến thời điểm “tiến về Thủ đô” và chào tạm biệt nhau. Hẳn là cái sự đam mê phượt với Sidecar đã ngấm vào người, tôi là người chủ động đưa ra đề nghị: “Bao giờ các bác đi, nhớ cho em cái hẹn?”. Nghe tôi nói vậy, mọi người cười lớn. Anh Chiến – một thành viên kỳ cựu Sidecar Hà Nội bắt tay tôi, hỏi lại “Bọn tôi nhiều khi cũng ngẫu hứng lắm, xuất phát nửa đêm, ông có dậy được không?”. Tôi cũng cười theo. Chắc chắn dù có nửa đêm tôi cũng cố vùng chăn dậy mà đi thôi. Bởi ở trên đời, có những cuộc chơi vui như thế, đẹp như thế và tình người như thế thì dại gì mà không đi nhỉ?!

Nguyễn Sơn