Bên trong “Làng ế vợ” ở Trung Quốc

(Dân trí) - Ngôi làng nhỏ Laoya ở tỉnh An Huy thuộc miền đông Trung Quốc, bị coi là “làng ế vợ” khi có tới hơn 100 người đàn ông vẫn sống độc thân, trên tổng dân số 1600 người.

Bên trong "làng ế vợ" ở Trung Quốc

Xiong Jigen là một trong những người đàn ông như vậy. Ở tuổi 43, người đàn ông này vẫn chưa lập gia đình. Anh đổ lỗi cho đường xá tại đây quá khó khăn. “Ngôi làng như bị cô lập với nơi khác khi giao thông đi lại khó khăn không thuận tiện”, anh phân trần. Xiong sống ở làng Laoya, một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh An Huy ở miền đông Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, ngôi làng bị gọi với cái tên “làng ế vợ”.

Làng Laoya, ngôi làng được mệnh danh là “làng ế vợ”
Làng Laoya, ngôi làng được mệnh danh là “làng ế vợ”

Cách tiếp cận duy nhất với làng đó là lái xe với tốc độ chậm trên một con đường đất. Bao quanh nhà anh Xiong là một rừng tre và cây cối mọc um tùm. Theo số liệu thống kê năm 2014, ngôi làng có 112 nam giới ở độ tuổi từ 30 tới 55 nhưng vẫn độc thân, trên tổng dân số 1600 người. Đây là con số cao bất thường.

Nhà của anh Xiong khá cao ráo và khang trang
Nhà của anh Xiong khá cao ráo và khang trang

Anh Xiong nói, anh biết hơn 100 người đàn ông ở địa phương hiện chưa kết hôn. “Tôi không lấy nổi vợ. Phụ nữ ở đây đều đến nơi khác làm ăn sinh sống. Tôi biết lấy ai bây giờ”. Sau đó, anh tiếp tục đề cập tới vấn đề đường xá. “Giao thông tại đây rất tệ. Chúng tôi thậm chí không thể qua sông khi trời mưa. Chẳng cô gái nào muốn định cư ở đây”, anh nói.

Bên trong “Làng ế vợ” ở Trung Quốc - 3

Hiện tại, tỷ lệ chênh lệnh về giới tính ở Trung Quốc ngày càng cao khi trẻ sơ sinh là nam giới cao hơn nữ giới. Được biết, tỷ lệ khoảng 115 bé trai mới có 100 bé gái.

Anh Xiong cho hay, anh cũng nhờ các bà mối lái để kiếm vợ. Nhưng rồi, sau khi chứng kiến đường xá trong làng, các cô gái đều rời đi. “Tôi từng có vài mối trước kia, nhưng chẳng đến đâu cả. Họ phàn nàn điều kiện ở đây, đặc biệt chuyện đường đi lại”.

Vì người chú già yếu nên anh Xiong vẫn quyết định ở lại làng, thay vì rời đi nơi khác sinh sống
Vì người chú già yếu nên anh Xiong vẫn quyết định ở lại làng, thay vì rời đi nơi khác sinh sống

Phụ nữ trong làng hầu hết đều tới nơi khác sinh sống. Họ có thể tới Thượng Hải, nơi có mức lương hấp dẫn hơn. Một số ít quay về làng, nhưng dĩ nhiên ngay sau đó, họ đã kết hôn. Trong khi đó, những người đàn ông trong làng không đi đâu. Họ ở lại chăm sóc cha mẹ già theo đúng truyền thống của người Trung Quốc.

Cô Wang là một trong số ít phụ nữ ở lại làng. Cô chụp hình bên hai người con gái.
Cô Wang là một trong số ít phụ nữ ở lại làng. Cô chụp hình bên hai người con gái.

Anh Xiong cũng ở lại làng để chăm cho người chú ruột. “Ông ấy sẽ không thể ăn uống được gì nếu tôi rời đi. Tôi cũng không thể để chú tới viện dưỡng lão”, anh chia sẻ.

Hiện trong làng vẫn có một vài người phụ nữ ở lại. Wang Caifeng là một trong số đó. Cô cũng là hàng xóm của anh Xiong. Ở tuổi 39, người phụ nữ này đã có chồng và 2 người con gái. “Ở quê nhà vẫn là thích nhất. Tôi chọn việc ở lại”, cô nói.

Khi được hỏi về tương lai của hai người con gái, cô Wang vẫn mong muốn con ở lại làng, cho dù hàng ngày, hai người con cô phải đi bộ hơn 1 giờ đồng hồ mới tới trường. Tuy vậy, cô con gái 14 tuổi lại mong muốn trở thành bác sỹ và sẽ tìm mới làm việc tốt hơn ở “thế giới bên ngoài”.

Hoàng Hà

Theo BBC