Những tấm gương điển hình người dân tộc xây dựng kinh tế giỏi ở xã Glar

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Tại xã Glar, những đảng viên người dân tộc thiểu số luôn đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước, có trách nhiệm với cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn văn hóa truyền thống.

Ở xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, nơi phần lớn dân số là người Banah, mỗi đảng viên đang là những đầu tàu gương mẫu giúp bà con buôn làng giữ gìn văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế xã hội.

Anh Sin - Bí thư chi bộ, thôn trưởng làng Dôr 1 - luôn tích cực tuyên truyền cho thanh thiếu niên đảm bảo an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự. Gia đình anh cũng đi đầu trong tái canh cà phê, trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C và thuyết phục bà con làm theo để có hiệu quả kinh tế cao.

Những tấm gương điển hình người dân tộc xây dựng kinh tế giỏi ở xã Glar - 1

Nhờ tái canh cà phê, mà thu nhập của người dân làng Dôr được cải thiện đáng kể.

Còn tại làng Groi Wet, xã Glar, huyện Đak Đoa, trong suốt thời gian qua, cùng với đội chiêng của người lớn, nghệ nhân, đảng viên Alip đã nỗ lực phát triển đội chiêng nhí với hơn 20 thiếu niên tham gia. Có được những lứa kế cận để giữ gìn văn hóa truyền thống ở làng có vai trò rất lớn của nghệ nhân - đảng viên Alip.

Em Uyết, 13 tuổi, thành viên đội chiêng nhí làng Groi Wet, cho biết: "Hồi lớp 4 con học đánh cồng chiêng. Lúc đầu đánh không được, sau này càng ngày càng tốt. Ông Alip dẫn đi đánh cồng chiêng biểu diễn nhiều nơi, con cảm ơn ông Alip".

Trong suốt gần 20 năm nay, nghệ nhân Alip không nhớ đã truyền dạy cồng chiêng cho bao nhiêu lớp người lớn, trẻ em ở các làng, các xã trong vùng.

Ông vui vẻ, còn người trẻ muốn nghe, muốn chơi cồng chiêng, là ông còn tiếp nối: "Sợ nó mất đi, thì mình cố gắng truyền dạy lại. Bữa trước, trẻ con không muốn nghe, bây giờ nó thích tập, đi thi trong xã, huyện, tỉnh rồi. Mình là người Đảng viên thì mình cố gắng dạy, mong muốn sau này giữ lại được truyền thống của người đồng bào mình".

Những tấm gương điển hình người dân tộc xây dựng kinh tế giỏi ở xã Glar - 2
Nghệ nhân, đảng viên Alip (trái) luôn nỗ lực truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở huyện Đăk Đoa.

Hiện nay, Đảng bộ xã Glar, huyện Đăk Đoa có 15 chi bộ với 160 đảng viên, trong đó có 100 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Các đảng viên luôn là đầu tàu gương mẫu thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước như xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm đường, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự đoàn kết của toàn bộ hệ thống chính trị, nhân dân trong xã, Glar đã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2017 và đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí nâng cao.

Ông Y Suôn - Phó Bí thư Đảng ủy xã Glar - cho biết, Đảng ủy xã rất quan tâm công tác phát triển đảng và đảng viên trong vùng dân tộc thiểu số. Đối với đảng viên tại chỗ là hạt nhân công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng cho quần chúng nhân dân địa bàn.

Từ đó là giữ vững đ3ược an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhằm nâng cao năng lực, phát huy vai trò đảng viên, củng cố lòng tin giữa đảng với quần chúng nhân dân địa bàn xã.

Hiện toàn xã Glar chỉ còn 4% hộ nghèo, các tiêu chí của xã nông thôn mới được giữ vững, hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang hơn. An ninh trật tự ổn định, kinh tế không ngừng phát triển, văn hóa truyền thống được giữ gìn phát huy, trong thành công đó có những đóng góp không ngừng của các đảng viên người dân tộc thiểu số ở Glar, cho buôn làng ngày thêm giàu đẹp.

Những tấm gương điển hình người dân tộc thiểu số phát triển xây dựng kinh tế đang góp phần hoàn thành Dự án 3 (Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị) của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.