Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Nhiều điển hình người dân tộc làm kinh tế giỏi ở Gia Lai

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Tỉnh Gia Lai đang tập trung các giải pháp tạo sinh kế, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp người dân thoát nghèo.

Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị là nội dung quan trọng nhằm hoàn thiện dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Năm 2020, gia đình ông Hrun- người Bahnar (Làng Kon Chrah, xã Hra, huyện Mang Yang) được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách tín dụng.

Ông Krun dùng số vốn này mua 2 con bò để phát triển kinh tế. Sau hai năm, cặp bò sinh sản được một đàn 5 con. 

Theo tính toán của ông Krun, cuối năm, sau khi bán bớt bò, gia đình sẽ trả xong khoản nợ ngân hàng chính sách, tự tin ra khỏi danh sách hộ nghèo của làng.

Tại tỉnh Gia Lai, huyện Mang Yang là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 61% dân cư. Trong đó, trên 80% hộ dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.

Nhiều điển hình người dân tộc làm kinh tế giỏi ở Gia Lai - 1

Nhiều hộ dân ở Kon Chrah được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, thoát nghèo (Ảnh: T.N).

Bà Hoàng Thị Lan Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện - cho biết, Mang Yang đang chú trọng hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư sản xuất; đồng thời thực hiện các chương trình xóa nhà dột nát, hỗ trợ học tập… giúp người nghèo tự vươn lên.

"Cách làm của địa phương là chọn nhóm đối tượng có khả năng thoát nghèo trước để ưu tiên; chọn địa phương khó khăn hơn để triển khai các chương trình về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, địa phương tập tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất; triển khai cho các nhóm hộ đi học tập các mô hình sản xuất hiệu quả để học kinh nghiệm, khơi dậy ý thức, quyết tâm tự vươn lên thoát nghèo trong mỗi hộ gia đình", bà Lan Anh nói.

Nhiều điển hình người dân tộc làm kinh tế giỏi ở Gia Lai - 2

Chính quyền địa phương hỗ trợ, đồng hành cùng người dân để ứng dụng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi (Ảnh: T.N).

Từ đầu 2023 tới nay, tại huyện Mang Yang có 393 lượt hộ nghèo, 456 lượt hộ cận nghèo được vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh; 184 lao động và cải tạo 554 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia. Qua đó, góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương…

Từ năm 2018 tới năm 2022, nhằm giảm nghèo bền vững trong vùng dân tộc thiểu số, tỉnh Gia Lai đã triển khai cho hơn gần 18.000 hộ nghèo, cận nghèo vay trên 5.400 tỷ đồng từ nguồn vốn chính sách để đầu tư sản xuất.

Tỉnh đặt mục tiêu trong 3 năm tới, trung bình mỗi năm giảm 2% số hộ nghèo và giảm 3% hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - cho biết, giữa tháng 9/2023, UBND tỉnh Gia Lai đã tiến hành rà soát, và ban hành Kế hoạch 2059/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ để làm mới và sửa chữa nhà cho ít nhất 2.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo; đảm bảo cho 98% hộ nghèo được sử dụng nước sạch; hầu hết trẻ em được tới trường đúng độ tuổi...

"Kinh nghiệm thực tế trong triển khai công tác giảm nghèo tại tỉnh cho thấy việc giảm nghèo chỉ hiệu quả khi các mô hình gắn với nhu cầu ở cộng đồng, tập quán sản xuất, sinh hoạt của người dân tộc thiểu số, như hỗ trợ về cây, con giống; thay đổi phương thức sản xuất và chăn nuôi.

Đồng thời, việc giảm nghèo hiện nay cũng cần gắn với việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng, bảo tồn nghề dệt truyền thống; biến các sản phẩm văn hóa trở thành sản phẩm du lịch cộng đồng, biến thành sản phẩm thương mại, từ đó giải quyết việc làm, tạo thu nhập bền vững ngay trong cộng đồng", bà Lịch nói.