Cậu bé có vết bớt "khủng" như mai rùa

(Dân trí) - Một cậu bé 8 tuổi ở Colombia vừa được phẫu thuật cắt bỏ thành công vết bớt khổng lồ hình mai rùa trên lưng.

“Cậu bé Rùa” 

“Cậu bé Rùa” Didier Montalvo.

Cậu bé Didier Montalvo, 8 tuổi, ở Colombia, từng bị gắn với biệt danh “cậu bé Rùa” khi vết bớt hình mai rùa ở sau lưng không ngừng phát triển.

Năm 2011, Didier được chẩn đoán mắc phải căn bệnh hiếm gặp có tên là bớt sắc tố bẩm sinh.

Tuy nhiên, ngay sau đó cậu bé này đã trải qua một ca phẫu thuật đổi đời để loại bỏ khối u khổng lồ có cân nặng tương đương với 20% trọng lượng cơ thể mình.

Xuất hiện trên chương trình This Morning của Đài Truyền hình ITV của Anh, mẹ của Didier cho biết: “Thằng bé từng cảm thấy rất tồi tệ trước khi phẫu thuật, vết bớt đã cản trở Didier làm nhiều thứ mà cháu thích làm.

Khi Didier nghe thấy mọi người gọi mình là “cậu bé Rùa”, con tôi cảm thấy rất buồn và hỏi ‘Sao con lại có cái này?’ Đây đúng là một câu hỏi rất khó trả lời. Chúng tôi luôn hi vọng rằng sẽ làm được điều gì đó”.

Nhờ có sự giúp đỡ của Neil Bulstrode, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Anh, người đã phẫu thuật miễn phí cho Didier sau khi biết hoàn cảnh của cậu bé, giờ đây “cậu bé Rùa’ đã có thể trưởng thành giống như bất kì đứa trẻ nào khác.

Bác sĩ Bulstrode nói: “Một trong những điểm trong tâm đối với chúng ta là phải cố gắng và giúp Didier cảm thấy như là mình có thể tái hòa nhập với xã hội. Nhưng cũng phải giảm trọng lượng khổng lồ trên cơ thể cậu bé. Vết bớt chiếm 20% trọng lượng toàn cơ thể của Didier”.

Bác sĩ Bulstrode đã bay sang Bogota, thủ đô của Colombia để giúp nhóm bác sĩ phẫu thuật loại bỏ vết bớt “khủng” trên lưng Didier khi vết bớt này phát triển lớn đến nỗi nó có thể thở thành khối u ác tính nếu để lâu dài.

Didier Montalvo trước khi được phẫu thuật.

Didier Montalvo trước khi được phẫu thuật.

Sau đó, các bác sĩ phải tiến hành một loạt các khâu hoàn thiện cấy ghép da qua nhiều giai đoạn.

Didier hiện đã sang Anh để gặp những đứa trẻ khác cũng mắc phải tình trạng bệnh hiếm gặp tương tự mà cậu bé từng phải đối mặt.

Trong quá trình ở Anh, Didier đã gặp Jodi Whitehouse, một người cũng mắc căn bệnh tương tự. Năm 1997, cô Jodi đã lập quỹ từ thiện Caring Matter Now để hỗ trợ cho những đứa trẻ ở Anh mắc phải căn bệnh này.

Cô Jodi cho biết: “Chúng tôi đã hỗ trợ khoảng 400 gia đình ở Anh và các quốc gia khác, chúng tôi đặt ra nhiều ngày hỗ trợ, gói hỗ trợ cho các gia đình và giáo viên, nhân viên ở trường học, đây là một mạng lưới thực sự. Giờ đây những đứa trẻ đang trưởng thành sẽ biết rằng chúng không hề đơn độc, như Didier đã từng nghĩ. Khi đến Anh, cậu bé đã gặp nhiều đứa trẻ cũng mắc căn bệnh giống mình”.

Nguyễn Thúy

Theo DM