Bạn đọc viết:

Về Hòe Thị xem “Con Đĩ đánh bồng”

(Dân trí) - Mùa xuân, mùa của lễ hội. Mỗi địa phương lại có một phong tục, màn diễn trò trong lễ hội khác nhau. Có một nơi thuộc xứ Diễn xưa (nay là Từ Liêm - Hà Nội), trong lễ hội có màn thổi cơm thi và đặc biệt là trò “Con Đĩ đánh bồng”.

 
Về Hòe Thị xem “Con Đĩ  đánh bồng”
Trò “Con đĩ đánh bồng” tại lễ hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) (ảnh minh họa: Duy Khánh)

 

Có dịp ghé thăm làng Thị Cấm và Hòe Thị (xã Xuân Phương - Từ Liêm - Hà Nội), các bạn sẽ được nghe các cụ  cao niên nơi đây kể lại rằng: Xưa kia, có một vị tướng về tuyển quân. Khi đi ngang qua đây, thấy cảnh vật tươi tốt liền hỏi thăm một cô gái xem nơi này là đâu, cô gái chỉ cười, vị tướng liền đặt tên là làng Hòe Thị (làng có cô gái hay cười). Đi một đoạn nữa, ông gặp cô gái khác và lại hỏi, cô gái không cười không nói gì cả. Ông liền đặt tên làng Thị Câm (làng có cô gái câm), sau này được đổi tên là Thị Cấm. Tương truyền vị tướng này có tên Phan Tây Nhạc, sau được tôn là Thành hoàng làng.
 

Khu vực đình làng Thị Cấm chính là nơi tuyển quân xưa. Việc tuyển quân xưa chỉ diễn ra trong 1 ngày duy nhất, vì thế trừ những ngày có việc trọng đại, đình làng Thị Cấm luôn đóng cửa quanh năm, chỉ mở cửa một ngày duy nhất vào 12 tháng giêng và trở thành ngày hội làng. Ngày hội này, nhân dân tổ chức kéo lửa thổi cơm thi để tưởng nhớ lễ khao quân của vị tướng xưa.

 

Độc đáo nhất là hội làng Hòe Thị diễn ra từ ngày 11 đến 13 tháng Chạp hàng năm. Trong hội có một trò  rất độc đáo với cái tên cũng rất độc đáo - trò “Con Đĩ đánh bồng”. Theo tích xưa kể lại: trong doanh trại quân đội xưa, các tướng lĩnh thường xuyên phải tìm trò giải trí cho quân lính. Việc đưa hình ảnh phụ nữ vào các trò là nhu cầu không thể thiếu, vì thế họ thường cho quân lính đóng giả gái để múa hát. Về sau, trò này vẫn được duy trì và phát triển, gọi là trò “Con Đĩ đánh bồng”.

 

Hội làng Hòe Thị diễn ra tại Đình Hòe Thị. Ngoài những trò đấu cờ, vật, chọi gà, ca hát, còn có  màn rước kiệu Bà từ đình Thị Cấm về  đình Hòe Thị. Đoàn rước kiệu gồm đội rồng lân binh khí, bát âm, kiệu Bà…dài hàng cây số.  Đi sau kiệu Bà là nhân vật Đĩ Bồng vừa đi vừa múa. Nhân vật này bao giờ cũng là trai giả gái với quần áo, vòng lắc, môi son má phấn và độn ngực, trước ngực đeo một cái trống như trống cơm nhưng nhỏ hơn. Để điệu múa mềm mại, các Đĩ Bồng phải đi chân đất hoặc tất trắng, không được đi giày vì động tác múa sẽ cứng. Thông thường Đĩ Bồng là những chàng trai trẻ có khả năng đóng giả nữ. Người được chọn là Đĩ Bồng phải biết múa dẻo, thể hiện sự duyên dáng của nữ nhưng vẫn có sự cứng cáp của đàn ông.

 

Ngày nay, trò “Con Đĩ đánh bồng” ở Hoè Thị thường chọn 2 thanh niên giả gái, thể hiện những động tác múa uyển chuyển, mắt đong đưa nhìn nhau tình tứ. Trò này cũng được diễn tại lễ hội của một số làng ven kinh đô Thăng Long xưa như Triều Khúc (xã Tân Triều - Thanh Trì - Hà Nội) và một số nơi khác, nhưng không đâu độc đáo bằng “Con Đĩ đánh bồng” ở làng Hoè Thị. Độc đáo bởi trong khi các nơi khác chọn nhiều cặp cùng múa trên sân đình dưới sự cổ vũ của đông đảo người xem, thì ở Hoè Thị, các Đĩ Bồng không diễn trên sân đình mà thường đi sau kiệu rước, là nhân vật tạo không khí vui nhộn cho đám rước.

 

“Con Đĩ đánh bồng” là trò diễn dân gian xuất phát từ nhu cầu văn hóa tinh thần của quân đội thời xưa, nhưng cha ông ta đã biết kết hợp đưa vào lễ hội để tạo không khí vui nhộn đặc sắc. Đây cũng là một trò không thể thiếu trong hội làng Hòe Thị. Dù năm đó là năm chẵn hay lẻ, làng mở hội to hay nhỏ thì “Con Đĩ đánh bồng” vẫn xuất hiện. Chỉ có vậy, lễ hội nơi đây mới thực sự ý nghĩa. 

 

Nguyễn Thị Diệp

(Hiệu trưởng THCS Di Trạch - Hoài Đức - Hà Nội)