Đếm ngược thời gian tới đặc xá

(Dân trí) - Càng gần tới ngày Quốc khánh 2/9, chủ đề đặc xá càng “nóng” lên với sự quan tâm của dư luận. Người ngoài còn vậy, tâm trạng những “người trong cuộc” lại càng chộn rộn, hồi hộp, khắc khoải … biết chừng nào. Thời gian với họ nhích từng phút, từng giây.

Đếm ngược thời gian tới đặc xá  - 1
Niềm vui được xét đặc xá (ảnh minh họa)
 

Những con số…

 

Rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả cả nước với các thông tin về đặc xá năm nay, tiếp tục thể hiện lòng tin của người dân trước một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đặc xá  vừa thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp Việt Nam,  nhưng cũng chứng tỏ sự khoan hồng, tha thứ đối với những người vì lý do này, lý do khác phạm tội song đã thành khẩn, ăn năn hối cải. Qua đó tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ cải tạo, sửa chữa sai lầm, trở lại làm người lương thiện, có ích cho xã hội (trích lời Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại phiên họp toàn thể Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương ngày 23/8 vừa qua).

 

Dịp Quốc khánh 2011, theo báo chí đưa tin, có hơn 10 ngàn phạm nhân được xét đặc xá. Các giới chức cấp cao cũng đã khẳng định rằng: một trong những yêu cầu quan trọng của công tác đặc xá năm nay là đảm bảo dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch và chặt chẽ, hướng tới việc đảm bảo người được đặc xá không tái phạm sau khi trở về với cộng đồng.  

 

Đặc biệt, theo con số thống kê sau các đợt đặc xá những năm trước, tỉ lệ tái phạm của người được đặc xá rất thấp - chỉ 0,54%. Điều này, theo đánh giá của giới chuyên môn, đã góp phần khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả cả về các  mặt chính trị - kinh tế - xã hội trong chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về đặc xá.

 

Tuy nhiên, trước tình hình tội phạm đang có những diễn biến khá phức tạp như hiện nay. Nhất là sau những thông tin về một số vụ án nghiêm trọng vừa xảy ra gây nhức nhối trong xã hội, không ít bạn đọc cũng bày tỏ quan ngại về một thực tế không thể phủ nhận. Đó là dù chỉ có rất, rất nhỏ tỉ lệ tái phạm, song những vụ án do một số “cựu phạm” tiếp tục gây ra sau khi được tha tù dường như càng chứng tỏ thủ phạm đã “dạn dày kinh nghiệm” hơn sau thời gian “bóc lịch”.

 

Đa số ý kiến muốn nhà chức trách mạnh tay hơn với các loại tội phạm nguy hiểm, luôn đe dọa gây bất an cho xã hội và người dân. Nhiều người nhấn mạnh: pháp luật phải thực sự nghiêm minh thì mới đủ sức răn đe những kẻ ngông cuồng, coi thường pháp luật và tính  mạng người khác. Khoan hồng là cần thiết, song không thể dung thứ cho những kẻ đã không thể và bản thân không mong muốn cải tà quy chính…

 

Ví dụ mới nhất là vụ sát hại gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang, tuy chưa rõ thủ phạm là ai, song ý kiến chung của bạn đọc cả nước đều nhấn mạnh: kẻ gây tội ác dã man đó thì dù có chịu hình phạt tử hình tới cả ngàn lần vẫn chưa đền hết tội!

 
Đếm ngược thời gian tới đặc xá  - 2
Đặc xá thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc (ảnh minh họa: congan.com)
 
…. Và những ánh mắt
 

“Chẳng biết bao giờ mới đền được hết tội lỗi do mình gây ra… Nhưng có vào trại rồi mới hiểu được cảnh ‘một ngày tù ngàn thu ở ngoài’. Chúng tôi dù có tội, vẫn mong được xã hội rộng lòng dung thứ, để có ngày còn được trở lại với đời cũng là để có cơ hội chuộc lỗi… ” – lời tâm sự nghẹn ngào đó tôi được nghe từ một nữ “phạm” (phạm nhân), khi tới khu vực Xuân Phương, Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội (nơi trại giam Hỏa Lò chuyển sang) trong một lần đi viết bài về đặc xá.

 

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi tận mắt thấy ở cự ly rất gần những con người bằng xương bằng thịt trong cảnh tù tội. Và quả thật những ấn tượng để lại trong tôi mãi mãi không thể phai mờ. Nhất là những ánh mắt của những người trong cảnh cá chậu chim lồng như vậy. 

 

Đuổi theo tôi và nam giám thị còn khá trẻ dẫn đường là những cánh tay vẫy rối rít qua song sắt các phòng giam phạm nam, cùng những câu đùa cợt tục tĩu, chớt nhả … ghê người. Song sợ nhất là bị những ánh mắt như con thú cùng đường của họ đuổi theo khiến tôi bất giác bủn rủn, lạnh buốt cả sống lưng. Hai chân cứ ríu lại tưởng không bước đi nổi nữa trước ma lực của những ánh nhìn hoặc man dại, đe dọa, hoặc tuyệt vọng, vô hồn…

 

Anh giám thị quay sang tôi cười an ủi: “Khó nghe quá phải không chị? Thế mà ở đây ngày nào chúng tôi cũng phải nghe như thế và còn kinh khủng hơn thế nhiều. Cũng phải quen thôi chứ biết làm sao, nghề mà”.

 

Tới khu phòng giam phạm nữ, bầu không khí yên tĩnh hẳn như ở trong những gia đình bình thường (chỉ khác cửa đều là song sắt). Chỗ này vài luống hoa cúc, hoa hồng… khoe sắc. Chỗ kia vài cô trẻ trung, xinh đẹp, kẻ lông mày, thoa son dồi phấn đàng hoàng đang ngồi khâu vá, đan lát hoặc thủ thỉ gì đó với mấy nữ giám thị cũng tóc nâu, môi trầm, má phấn, môi son… khá thời trang. Chỉ nhận ra sự khác biệt ở  các nữ phạm bởi bộ trang phục kẻ sọc.

 

Trò chuyện với chúng tôi sau khi đã ý nhị “điều” các nữ phạm đi đâu đó, nữ giám thị trưởng kíp trực hôm đó cho hay: Trông thì có vẻ cừu non vậy thôi, nhưng ngoài đời cô nào cũng có số có má cả. Không cứng bóng vía nhưng cũng phải rất lạt mềm buộc chặt với họ thì không trụ nổi lại với cái nghề quanh năm suốt tháng toàn tiếp xúc với  các mặt trái của xã hội này.

 

Kín đáo quan sát họ, đập vào mắt tôi vẫn là những ánh mắt: thẫn thờ có, vẩn đục có, u uất có… Tất cả hình như đều chỉ hướng về phía tôi khi ra về. Có cảm giác như họ dõi theo từng bước chân tôi  ra phía có bầu trời xanh vàng rực nắng thu, nơi không bị ngăn cách bởi những chấn song sắt…với cả nỗi lòng khát khao tự do, mong chờ hạnh phúc. Dường như tất cả đều đang thầm đếm ngược thời gian, ngóng đợi ngày đặc xá, dù trong danh sách có tên mình hay chưa...

Kiều Anh