Thành phố tương lai dưới chân núi Phú Sĩ

Mai Nâu

(Dân trí) - Là một mô hình có thể nhân rộng, Woven City sẽ trở thành nguyên mẫu cho các thành phố trong tương lai, hoặc trang bị bổ sung cho các thành phố hiện tại.

Thành phố tương lai dưới chân núi Phú Sĩ - 1

Woven City được xây dựng và phát triển trên nền xưởng sản xuất ô tô trước đây của Toyota. Dự án do công ty kiến trúc Đan Mạch thiết kế cho hãng xe hơi nổi tiếng của Nhật Bản. (Ảnh: Squint/Opera)

Công ty kiến ​​trúc Đan Mạch BIG đang thiết kế một "thành phố nguyên mẫu của tương lai" với các tòa nhà bằng gỗ và xe tự hành cho hãng xe hơi Nhật Bản Toyota gần núi Phú Sĩ ở Nhật Bản.

Được đặt tên là Woven City (Thành phố Đan kết) và phát triển trên nền của xưởng sản xuất ô tô trước đây, thành phố này sẽ là nơi sinh sống của 2.000 người tham gia thử nghiệm phương tiện, robot và nhà thông minh trong một "môi trường thế giới thực".

Thành phố tương lai dưới chân núi Phú Sĩ - 2

Woven City sẽ là nơi sinh sống của 2.000 người trong giai đoạn đầu tiên. (Ảnh: Squint/Opera)

“Xây dựng một thành phố hoàn chỉnh từ đầu, dù ở quy mô nhỏ như thế này, là cơ hội đặc biệt để phát triển các công nghệ tương lai, bao gồm cả hệ điều hành kỹ thuật số cho cơ sở hạ tầng. Với bối cảnh con người, nhà cửa và phương tiện giao thông đều được kết nối và giao tiếp với nhau thông qua dữ liệu, cùng cảm biến, chúng tôi sẽ có thể thử nghiệm công nghệ AI trong cả môi trường thực và ảo, phát huy tối đa tiềm năng của nó”, Akio Toyoda, chủ tịch Tập đoàn Toyota, cho biết.

Thành phố tương lai dưới chân núi Phú Sĩ - 3

Đây là cơ hội để Toyota thử nghiệm công nghệ AI trong cả môi trường thực và ảo. (Ảnh: Squint/Opera)

Woven City sẽ được xây dựng xung quanh một mạng lưới đường phố phục vụ giao thông với ba tốc độ khác nhau. Các con đường chính sẽ dành cho phương tiện tự hành như Toyota e-Palette, còn các đường phố nhỏ hơn sẽ là nơi di chuyển của những phương tiện giao thông cá nhân khác bao gồm xe đạp, xe tay ga và i-Walk của Toyota. Loại đường thứ ba hoàn toàn dành cho người đi bộ.

Trong suốt giai đoạn phát triển, các tòa nhà sẽ được xây dựng từ gỗ với các tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên nóc. Các khu nhà sẽ được bố trí theo nhóm xung quanh các sân trung tâm, nối với nhau bằng nhiều tuyến đường và công viên dành cho người đi bộ.

"Trong thời đại công nghệ - mạng xã hội và bán lẻ trực tuyến - đang thay thế và xóa bỏ các phương thức gặp gỡ truyền thống, chúng ta đang ngày càng bị cô lập hơn bao giờ hết. Woven City được thiết kế để cho phép công nghệ củng cố khu vực công cộng, khiến nơi này trở thành địa điểm gặp gỡ và sử dụng sự kết nối để tăng cường kết nối của con người", nhà sáng lập BIG Bjarke Ingels cho hay.

Thành phố tương lai dưới chân núi Phú Sĩ - 4

Dự án nhằm tăng cường sự kết nối giữa con người trong bối cảnh cô lập của thời đại công nghệ. (Ảnh: Squint/Opera)

Dự án này sẽ bao gồm các không gian nghiên cứu và phát triển để Toyota tập trung vào các thiết kế chế tạo robot, in 3D.

Bên cạnh các cơ sở của Toyota sẽ có nhà ở cho nhân viên, gia đình của họ, các nhà khoa học và người về hưu. Khu dân cư sẽ được trang bị robot trong nhà để "chăm sóc các nhu cầu cơ bản và nâng cao cuộc sống hàng ngày". Cảm biến được kết nối với AI chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe của cư dân.

Thành phố tương lai dưới chân núi Phú Sĩ - 5

Khu dân cư được trang bị robot trong nhà. (Ảnh: Squint/Opera)

Cộng đồng sẽ sử dụng năng lượng từ năng lượng mặt trời, địa nhiệt và công nghệ pin nhiên liệu hydro.

Ingels hy vọng rằng Woven City có thể trở thành nguyên mẫu cho cách tái phát triển các thành phố hiện có. Ông nói: “Là một mô hình có thể nhân rộng, Woven City có thể làm nguyên mẫu cho các thành phố trong tương lai, hoặc trang bị bổ sung cho các thành phố hiện tại”.

“Chỉ cần 'lập trình lại' các đường phố hiện có, chúng ta có thể bắt đầu thiết lập lại sự cân bằng giữa con người, hoạt động di chuyển và thiên nhiên ở các thành phố đa dạng như Tokyo hay New York, Copenhagen hoặc Barcelona”.