Tanabata - Lễ hội tình nhân của xứ sở hoa anh đào

Mai Trang

(Dân trí) - Ngày 7/7 hàng năm tại Nhật Bản là ngày diễn ra lễ hội Tanabata hay còn gọi là lễ hội Sao.

Tanabata - Lễ hội tình nhân của xứ sở hoa anh đào - 1
Tanabata là lễ hội lãng mạn của xứ sở hoa anh đào. Nguồn ảnh: Pinterest

Đây được xem là một trong những lễ hội đẹp và lãng mạn nhất của đất nước Nhật Bản. Ngày lễ này có nguồn gốc từ lễ thất tịch của Trung Quốc và được biết đến ở khá nhiều nước. Tuy nhiên có lẽ không nơi nào trên thế giới lại có được một ngày lễ thi vị như ở xứ sở Phù Tang. Người dân nước này còn gọi lễ hội này với một cái tên lãng mạn là lễ hội tình nhân.

Thần Orihime và Hikoboshi - Câu chuyện đằng sau Tanabata

Ở Nhật Bản, Orihime và Hikoboshi là hai vị thần đại diện cho chòm sao Chức Nữ và chòm sao Ngưu Lang.

Truyền thuyết kể lại rằng, Ngọc Hoàng Thượng Đế có một người con gái rất được yêu chiều tên là Orihime. Orihime có tài dệt lụa rất khéo, làm ra những bộ quần áo vô cùng đẹp và tinh xảo. Công chúa đem lòng yêu một chàng chăn bò đẹp trai tên là Hikoboshi. Vua cha bèn gả nàng cho chàng chăn bò.

Tuy nhiên, hai người quá say mê nhau nên suốt ngày chỉ rong chơi và chẳng chịu làm gì, người con gái bỏ quên cả khung cửi còn con bò của chàng trai thì lang thang khắp trên thiên đình. Các vị thần rất bất bình và bắt phạt họ phải sống tận hai đầu của dòng sông Ngân. Mỗi năm một lần, họ chỉ được phép gặp nhau vào ngày 7/7.

Tanabata - Lễ hội tình nhân của xứ sở hoa anh đào - 2
Orihime và Hikoboshi là hai vị thần đại diện cho chòm sao Chức Nữ và chòm sao Ngưu Lang. Nguồn ảnh: Japan Web Magazine

Ngày gặp mặt đầu tiên đã đến, nhưng Orihime và Hikoboshi nhận ra rằng không có cây cầu nào bắc qua sông Thiên Đường. Đau khổ tột cùng, Orihime suy sụp và rơi những giọt nước mắt cay đắng. Nỗi đau khổ của cô đã cảm động một đàn chim ác, chúng tình nguyện xếp thành một cây cầu ô thước bằng đôi cánh để Orihime băng qua sông gặp Hikoboshi. Từ đó, cứ ngày 7/7 hàng năm, những chú chim lại hẹn gặp nhau để giúp đôi trẻ gặp gỡ.

Lễ hội Tanabata cũng ra đời từ đó để kỷ niệm ngày hai vị thần gặp nhau. Tanabata viết theo chữ Hán là Thất tịch hay còn gọi là "Đêm mồng 7". Ngoài ra, nó còn đồng âm với từ "khung cửi" của Ohirime trong truyền thuyết của Nhật Bản.

Tanabata - Lễ hội tình nhân của xứ sở hoa anh đào - 3
Đường phố Nhật Bản rực rỡ sắc màu ngày lễ Tanabata. Nguồn ảnh: Savvy Tokyo

Ngày lễ tình nhân của Nhật Bản

Cuộc hội ngộ hàng năm của cặp tình nhân trong truyền thuyết được tổ chức như một lễ hội tình nhân ở đất nước Nhật Bản. Lễ hội này trở nên phổ biến rộng rãi từ thời đại Edo. Vào thời điểm này, những cô gái có người yêu đi làm ăn xa thường viết tâm tư của mình lên những tấm vải hình chữ nhật dài và treo lên những nhánh tre như hình tượng của dải ngân hà, gửi thương nhớ và cầu mong ngày sớm được trùng phùng với người thương của họ.

Tanabata - Lễ hội tình nhân của xứ sở hoa anh đào - 4
Những cô gái treo nguyện ước lên cành cây. Nguồn ảnh: Japankuru

Ngày nay, người dân Nhật Bản vẫn giữ truyền thống đó. Vào lễ hội Tanabata hàng năm, họ sẽ trồng trước cổng những cành trúc hoặc tre tươi, trang trí bằng những dải giấy ngũ sắc hình chữ nhật và viết ước nguyện của mình trên đó, thành tâm cầu nguyện, mong nó sẽ trở thành sự thật. Sau khi lễ hội kết thúc cây tre và đồ trang trí thường được thả trôi trên sông hoặc đem đốt.

Tanabata - Lễ hội tình nhân của xứ sở hoa anh đào - 5
Các cô gái Nhật mặc áo Yukata đi chơi hội. Nguồn ảnh: Mykyotophoto
Tanabata - Lễ hội tình nhân của xứ sở hoa anh đào - 6
Lời nguyện ước treo trên những ngọn tre. Nguồn ảnh: ThoughtCo

Đến Nhật Bản vào đúng dịp này, du khách sẽ thấy các cô gái Nhật mặc áo Yukata đi chơi hội cùng bạn bè và đến thăm đền thờ Thần đạo Shinto (Jinja). Những đôi lứa đến để cầu nguyện được bên nhau trọn đời, còn những người độc thân cũng đến để cầu mong tìm thấy ý trung nhân. Đặc biệt hơn nữa là trên khắp các tuyến phố hay những con đường đến Đền thờ Shinto sẽ được chăng đèn hoa rực rỡ, trên những cành trúc tươi là những chùm giấy ngũ sắc được trang trí rực rỡ sắc màu, tạo thành những vòm cung sặc sỡ.

Tanabata - Lễ hội tình nhân của xứ sở hoa anh đào - 7
Một geisha đi lễ hội Tanabata. Nguồn ảnh: Discover Kyoto

Phong tục tập quán liên quan đến lễ hội này đã bị biến đổi theo vùng của các quốc gia. Như ở Trung Quốc hay Việt Nam, có tương truyền rằng những người độc thân ăn đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch sẽ có người yêu. Dù ở đâu thì lễ hội này cũng có điểm chung là nơi để mọi người gửi những lời cầu nguyện của mình và hy vọng lời cầu nguyện ấy sẽ trở thành hiện thực.