“Nhà chờ” lắp ghép từ 2.000 mảnh gỗ nổi bật giữa ốc đảo chè Thanh Chương

(Dân trí) - “Nhà chờ” tại ốc đảo chè Thanh Chương, Nghệ An được thiết kế dựa theo các mảnh ghép module rất độc đáo và lạ mắt.

Thanh Chương, Nghệ An rất nổi tiếng với nghề trồng chè. Tại đây, những đồi chè xanh bạt ngàn được trồng trên những quả đồi thấp theo dạng bậc thang, trùng trùng, điệp điệp.

Để tạo dựng một không gian hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, nhóm kiến trúc sư Đặng Ngọc Tú và Nguyễn Khắc Phước đã thiết kế và xây dựng một “nhà chờ” độc đáo, giúp cho những người trồng chè nghỉ ngơi, thư giãn. 

“Nhà chờ” lắp ghép từ 2.000 mảnh gỗ nổi bật giữa ốc đảo chè Thanh Chương - 1
Công trình đặc biệt, nổi bật giữa đồi chè Thanh Chương, Nghệ An.
“Nhà chờ” lắp ghép từ 2.000 mảnh gỗ nổi bật giữa ốc đảo chè Thanh Chương - 2
Đây là nơi nghỉ ngơi của các nông dân trồng chè, hoặc là địa điểm thăm quan của khách du lịch.

Không những vậy, công trình này còn đóng vai trò như một điểm dừng chân, một nhà cộng đồng nhỏ không phá vỡ cảnh quan khu vực, nơi khách du lịch tham quan có thể nhẹ nhàng tiếp cận với đồi chè.

Trao đổi với PV báo Dân Trí, kiến trúc sư Đặng Ngọc Tú cho biết, “nhà chờ” tại ốc đảo chè Thanh Chương, Nghệ An được thiết kế từ những module lắp ghép.

“Nhà chờ” lắp ghép từ 2.000 mảnh gỗ nổi bật giữa ốc đảo chè Thanh Chương - 3
“Nhà chờ” đặc biệt được liên kết từ hơn 2.000 mảnh module gỗ nhựa.

Với phương pháp sử dụng module đã giúp công trình độc đáo này có thể đứng vững với tuổi thọ lên tới hàng chục, hàng trăm năm.

Bên cạnh đó, việc sử dụng module trong thiết kế công trình còn giúp tháo lắp linh hoạt, có thể di chuyển dễ dàng bằng các phương tiện địa phương.

“Nhà chờ” lắp ghép từ 2.000 mảnh gỗ nổi bật giữa ốc đảo chè Thanh Chương - 4
Các mảnh module được lắp ghép với nhau để tạo nên một công trình đặc biệt ở Nghệ An.
“Nhà chờ” lắp ghép từ 2.000 mảnh gỗ nổi bật giữa ốc đảo chè Thanh Chương - 5
Công trình được hoàn thiện chỉ trong 3 ngày.

Được biết, công trình này được thực hiện chỉ trong vòng 3 ngày, với hình thức lắp ghép tại chỗ cùng người dân địa phương. KTS Đặng Ngọc Tú cho biết, “nhà chờ” module có diện tích là 6 m2 được hình thành từ hơn 2.000 các mảnh ghép gỗ nhựa.

Việt Vũ