“Thuê dạy” - một hành vi phạm pháp cần ngăn chặn

Gần đây, hiện tượng lập “quỹ lương ảo” ở một số trường tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh khiến dư luận xôn xao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên, trong đó có nguyên nhân thuộc về sự hạn chế trong nhận thức, ý thức chấp hành luật pháp của một bộ phận cán bộ, công chức.

Tưởng rằng sau khi Sở GD-ĐT Hà Tĩnh kỉ luật những người vi phạm, nhận thức của cán bộ, giáo viên (GV) về pháp luật sẽ được nâng cao. Thế nhưng, chúng tôi nhận thấy có một bộ phận GV vẫn còn mơ hồ về những quy định của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức, mà hiện tượng sau đây là một dẫn chứng.

          

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Một GV ở trường bán công nọ (trường này có một số GV thuộc biên chế, một số khác làm việc theo chế độ hợp đồng), sau khi hết hạn nghỉ sinh con muốn tiếp tục nghỉ thêm đã trao đổi với hiệu trưởng và đã thuê một GV hợp đồng dạy thay mình. “Hợp đồng dạy thuê” (thực chất là thỏa thuận miệng) có nội dung như sau: GV hợp đồng sẽ dạy tất cả các tiết theo quy định của nhà trường dành cho GV trong biên chế muốn nghỉ và được trả công theo định mức chung của trường. Thế là GV nọ được nghỉ, dùng tiền lương để trả cho đồng nghiệp dạy thay mình, còn tiền dư ra thì nhận về.

 

Thoạt nhìn, việc làm trên có vẻ hợp lý: người này muốn nghỉ, người khác muốn có việc làm thêm để tăng thu nhập, công việc vẫn được bảo đảm, tiền công trả theo thỏa thuận. Thật là “lợi cả đôi đường”, không ảnh hưởng gì đến ai, không tiêu cực! Một GV khi kể lại câu chuyện này còn tỏ vẻ rất đồng tình với phương án “thuê” dạy đó. Thế nhưng, việc “thuê” người khác dạy như trên đã vi phạm những quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.  Khoản 2, Điều 9 Pháp lệnh cán bộ công chức ghi rõ quyền của công chức: “Trong trường hợp có lý do chính đáng được nghỉ không hưởng lương sau  khi được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng cán bộ, công chức”.

 

Như vậy nếu GV nọ sau khi đã nghỉ hết chế độ muốn nghỉ thêm không lương thì phải làm đơn và có ý kiến của người sử dụng lao động (Giám đốc Sở GD-ĐT) mới được phép nghỉ. Hoặc GV có con nhỏ ốm thì được nghỉ theo chế độ chăm sóc con ốm, hay bản thân GV ốm thì được nghỉ hưởng chế độ BHXH hoặc giả sử GV không muốn dạy nữa thì làm đơn xin thôi việc. Trong tất cả các văn bản pháp luật về lao động, về cán bộ công chức không hề có một điều khoản nào quy định hay cho phép hành vi “thuê” người khác làm việc thay mình như trên.

 

Giả sử một GV THPT có mức lương 3 triệu đồng/tháng, thuê dạy hết khoảng 1,4 triệu (một tháng khoảng 70 giờ, mỗi giờ 20.000 đồng), như vậy là GV nọ không làm việc nhưng hàng tháng vẫn có 1,6 triệu đồng bỏ túi, được hưởng mọi quyền lợi về BHXH, BHYT…của một công chức! Thực chất đây là một hình thức bóc lột người khác, hoặc cũng là một biến tướng của hiện tượng lập “quỹ lương ảo” mà thôi. Đó là một bất công mà xã hội ta không thể chấp nhận.

 

Mong rằng khi đọc được bài này, trường nào còn có chuyện GV “thuê” dạy như trên cần chấm dứt ngay, và cũng hi vọng rằng  hành vi phạm pháp này chỉ là cá biệt. Hành vi phạm pháp dù nhỏ mà không được ngăn chặn kịp thời, xã hội sẽ rối loạn.                                       

 

Trọng Nghĩa

 

LTS Dân trí - Mọi công dân Việt Nam đều có quyền lợi và nghĩa vụ sống và làm việc theo pháp luật. Nhà trường nói chung và nhà giáo nói riêng càng cần tôn trọng pháp luật để làm tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Vì vậy, lãnh đạo nhà trường cũng như mọi giáo viên cần nêu cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kịp thời phát hiện và ngăn chặn mọi hành vi trái với pháp luật diễn ra trong nhà trường.