Những cuộc "giải cứu" động vật quý hiếm... kỳ lạ ở Việt Nam

(Dân trí) - Cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện ra nhiều vụ người dân tự ý nuôi nhốt động vật quý hiếm tại nhà. Tuy nhiên, phía sau những cuộc "giải cứu" đó, nhiều cá thể động vật quý hiếm đã... chết.

Những ngày qua dư luận trong cả nước chưa hết xôn xao trước thông tin Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An vừa "giải cứu" 17 con hổ đang bị nuôi nhốt trái phép tại 2 hộ dân trên địa bàn xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).  Sau cuộc "giải cứu" này thì có 8 con hổ đã chết.

Cũng theo nhà chức trách cho biết, trong quá trình giải cứu hổ có huy động bác sĩ thú y gây mê hổ. Việc hổ chết có liên quan đến kỹ thuật gây mê hay không, đây là vấn đề chuyên môn ngành thú y nên chưa thể khẳng định.

Những cuộc giải cứu động vật quý hiếm... kỳ lạ ở Việt Nam - 1

Trong số 17 con hổ được "giải cứu" thì có 8 con chết (Ảnh:  Nguyễn Duy).

Ở Việt Nam, nhiều người dân có sở thích nuôi động vật hoang dã quý hiếm với nhiều mục đích khác nhau. Từ trước đến nay có nhiều vụ bắt, thu giữ động vật quý hiếm do người dân nuôi nhốt.

Trước đó không lâu ngày 22/7, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản là tang vật vi phạm hành chính, đồng thời xử phạt 2 cá nhân hơn một tỷ đồng về hành vi nuôi kỳ đà quý hiếm.

Những cuộc giải cứu động vật quý hiếm... kỳ lạ ở Việt Nam - 2

Kỳ đà vân là động vật quý hiếm, cấm giết hại, mua bán.

Theo đó, toàn bộ tang vật thu giữ từ vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp là 8 con kỳ đà vân, nhóm IB, thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý hiếm, cấm mua bán, giết hại.

Tuy nhiên, sau một thời gian tịch thu, 7 con kỳ đà được xác định đã chết, với tổng trọng lượng là 15 kg. Một con chết từ trước khi lực lượng chức năng tịch thu. Một cá thể kỳ đà duy nhất còn sống sót được cơ quan chức năng thả về tự nhiên. 7 cá thể còn lại được xử lý, tiêu hủy theo quy định.

Vụ việc này trôi qua được một thời gian dài nhưng chưa thấy cơ quan chức năng ra thông báo nguyên nhân dẫn đến 7 cá thể kỳ đà quý hiếm bị chết và cũng chưa có ai nhận trách nhiệm về việc này.

Đưa ra lý giải theo quan điểm cá nhân, bạn đọc Trần Trọng Trung cho rằng: "Những con hổ được nuôi nhốt bất hợp pháp kiểu này thường sẽ bị sử dụng thuốc an thần hoặc thuốc mê trong thời gian dài nhằm giảm sự hung dữ và các hoạt động thường ngày của loài hổ nhằm che mắt lực lượng chức năng.

Chỉ cần đơn giản nhìn hình thể của những con hổ này là biết chúng không được vận động, khi lực lượng chức năng tới thì chúng cũng không hoạt bát, bản thân hổ là loài có tính lãnh thổ cao nếu có sinh vật lạ vào là sẽ lập tức hăm dọa hoặc tấn công đằng này hoàn toàn ngược lại.

Việc dùng thuốc liên tục với liều cao thì chỉ cần dừng thuốc là chết ngay, ví dụ của loại chất an thần cho họ nhà mèo là cây bạc hà mèo hay catnip chúng được dùng rất nhiều với mèo nhà và có tác dụng tương đương với tất cả họ nhà mèo nói chung".

Với suy nghĩ khác, bạn đọc Tuyen Nguyen: "Đọc tin 17 bạn hổ đã được chính quyền huyện Yên Thành giải cứu đã thấy mừng vì chính quyền quan tâm đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Hoạt động của Nghệ An đã được cộng đồng thế giới khen ngợi. Nhưng hôm nay chuyện đó lại biến thành câu chuyện gây sốc.

Mang tiếng là được giải cứu mà sao 8 bạn hổ lại đột ngột tử vong sau một ngày được "giải cứu ". Tại sao trước đó các bạn này được nuôi từ bé như nuôi heo hàng bao năm trời vẫn bình an? Điều này chứng tỏ công tác "giải cứu" thiếu chuẩn bị chu đáo về chuyên môn hoặc có thể có mà chất lượng quá tồi tệ.

Sử dụng thuốc mê không tính toán kỹ nên có thể đã dùng quá liều khiến hổ chết hoặc có những nội tình khác dẫn đến thất bại, phản tác dụng đối với công tác tuyên truyền xã hội về hoạt động giải cứu động vật hoang dã. 8 hổ chết một lúc là số lượng rất lớn khi ta biết rằng số lượng hổ còn sót lại ở Việt Nam còn rất ít ỏi.

Đề nghị có điều tra kỹ lưỡng và công bố cho công chúng về nguyên nhân tử vong, tránh những chuyện tương tự lại xảy ra với những bạn hổ tội nghiệp kia"

Cùng quan điểm cho rằng, cần xem xét quá trình "giải cứu", bởi: "Nhìn cách người ta dùng sức nắm vào chân và kéo lê những con hổ ra khỏi chuồng thì tôi đã liên tưởng những con hổ này với những con tê tê ở vụ án trước (những con tê tê chết hết). Sao không nhốt tại đó rồi giao cho đội cứu hộ động vật hoang dã có kinh nghiệm vào chăm sóc và chuyển đến nơi an toàn?", bạn đọc Vân Hồ;

"Người ta nuôi từ nhỏ, họ là hiểu rất rõ, muốn giải cứu thì cũng phải có kế hoạch, lộ trình, phương an nào tốt nhất, chưa kể trả chúng về tự nhiên cũng phải có kế hoạch dạy chúng săn mồi, gắn chip theo dõi. Trong khi ở Việt Nam đã từ lâu không thấy xuất hiện nữa, chỉ cần giám sát trong khi chuẩn bị phương án tốt nhất.  Những người ra quyết định đưa chúng đi cần phải chịu trách nhiệm. Việc này gây tổn thất lớn không những về vật chất mà còn làm tổn hại đến việc bảo tồn của quốc gia", bạn đọc Anh Toàn Nguyễn 

Cần điều tra tỷ mỷ về việc sử dụng thuốc gây mê là quan điểm của nhiều bạn đọc: "Cần điều tra thật tỷ mỷ xem lượng thuốc mê là loại gì? thời hạn sử dụng đến bao giờ? liều lượng thuốc mê có nhiều quá không? Phương pháp vận chuyển thế nào? Cơ quan nhận bàn giao trong tình trạng sức khỏe của hổ ra sao.

Nay 8 cá thể hổ bị chết thì xử lý thế nào? Cần công khai rõ ràng, những cá thể hổ còn sống hiện đã tỉnh táo chưa. Cần lập biên bản ghi rõ và có hồ sơ theo dõi từng cá thể hổ đó", bạn đọc Hiep Canh.

"Phương án xử lý tang vật đã chết thì tôi không bàn, nhưng 8 cá thể hổ và 7 cá thể kỳ đà được giải cứu lại chết một cách khó hiểu thế thì trách nhiệm thuộc về ai? Chưa thấy cơ quan nào nói hay bàn về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan đến những cá thể bị chết? Hổ hay kỳ đà ở với người dân trong trường hợp này là vi phạm pháp luật, nhưng ít nhất chúng còn sống... Xử lý người vi phạm, giải cứu động vật và rồi chúng chết thì thôi à?", độc giả Hoàng Đạo bức xúc.

Cho rằng cần thưởng - phạt rõ ràng, công khai, minh bạch để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, bạn đọc Thinh Ngo Van: "Với sự việc trên em thiết nghĩ người nuôi giữ trái phép là sai thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Còn về việc thực hiện thu giữ hay bắt giữ tang vật có bị thực hiện sai quy trình hay sai ở đâu thì cũng phải làm rõ.

Sai ở khâu nào và ai sai cũng nên công khai minh bạch thì pháp luật mới nghiêm minh được. Không để sự việc "giải cứu" thành "giải chết" được. Con người chúng ta cần công bằng thì những con vật cũng nên cho nó được sự công bằng!".

Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào? Hãy gửi vào khung bình luận bên dưới nhé!