Không nên lạm dụng việc bình chọn các cuộc thi qua mạng

Dân trí

(Dân trí) - Bình chọn qua mạng sẽ dẫn tới kết quả không chính xác do kêu gọi người thân, bạn bè quen biết giúp đỡ, mặc dù có thể những người này không thật sự xứng đáng nhưng vì nể nang mà phải bình chọn.

Hiện nay, tình trạng các cuộc thi yêu cầu khán giả, người dân tham gia bình chọn qua mạng khá phổ biến. Việc bình chọn qua mạng có mặt tích cực là nhanh chóng, dễ thực hiện và thu hút được nhiều người tham gia. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, tổ chức quá lạm dụng hình thức bình chọn qua mạng đã dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực khác.

Thứ nhất, việc kêu gọi bình chọn qua mạng có thể dẫn đến kết quả không khách quan, không chính xác đối với những người tham gia cuộc thi. Bởi vì, khi bình chọn qua mạng nếu ai có nhiều bạn bè, làm tốt công tác truyền thông, kêu gọi được nhiều người bỏ phiếu, bình chọn cho mình thì người đó sẽ được nhiều phiếu hơn những người khác, dù thực tế thì tài năng của họ có thể không bằng những người cùng tham gia cuộc thi đó.

Không nên lạm dụng việc bình chọn các cuộc thi qua mạng - 1

Nhiều người đã mất tiền tỷ vì dính bẫy "bình chọn, tri ân" trên mạng (Ảnh minh họa).

Thứ hai, các đối tượng xấu lợi dụng việc bình chọn qua mạng để kêu gọi bấm like, bình chọn vào các trang web giả mạo do chúng tự lập ra để lừa người dân tham gia bình chọn. Khi người nào bấm vào các trang web này thì sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân với mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân để đánh cắp tiền trong tài ngân hàng hoặc dùng để lừa đảo những người khác.

Thứ ba, việc quá lạm dụng bình chọn qua mạng vô tình làm giảm đi ý nghĩa, mục đích thật sự của các cuộc thi. Bởi vì, khi đó ai làm tốt truyền thông, giỏi kêu gọi và nhiều bạn bè trên mạng xã hội thì sẽ được giải cao.

Đối với những người có thực tài nhưng không làm tốt truyền thông, ít bạn bè thì sẽ thua thiệt. Hệ quả là nhiều người tham gia các cuộc thi không quá quan tâm, chú trọng để tập luyện, thể hiện tài năng thông qua bài thi của họ mà chỉ chăm chăm vào kêu gọi bình chọn, bỏ phiếu cho mình mà thôi.

Ngoài ra, việc tổ chức bình chọn qua mạng nhiều khi dẫn đến làm phiền hà, rắc rối cho những người xung quanh. Đó là khi người thân, bạn bè quen biết liên hệ để nhờ bình chọn cho người nào đó như con, em hoặc người thân của họ. Mặc dù, có thể những người này không thật sự xứng đáng, không xuất sắc hơn những người khác nhưng vì nể nang mà phải bình chọn.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp hạn chế việc tổ chức bình chọn qua mạng đối với các cuộc thi, nhất là cuộc thi chính thống, sử dụng ngân sách nhà nước. Điều này nhằm đảm bảo các cuộc thi có hiệu quả cao, khách quan, chính xác; đồng thời hạn chế tối đa những tiêu cực, rủi ro phát sinh trong việc bình chọn. Đặc biệt là khi các đối tượng xấu lợi dụng việc bình chọn để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc gây phiền hà không đáng có đối với những người xung quanh...

                                          ThS Phạm Văn Chung

 Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum