"Giáo viên cần có lời thề trách nhiệm như lời thề Hippocrates"

PV

(Dân trí) - "Dạy bơi là nghề dạy học liên quan đến tính mạng con người. Nó cần được xem trọng như nghề y. Giáo viên cần được học về trách nhiệm và có lời thề trách nhiệm như lời thề Hippocrates".

Nếu không đủ trách nhiệm, đừng chọn làm giáo viên

Vụ việc thầy giáo dạy bơi mải sử dụng điện thoại di động trong giờ dạy, khiến một nam sinh lớp 9 đuối nước tử vong ngay tại tiết học bơi của trường học, đang là tâm điểm của dư luận nói chung và các bậc làm cha mẹ nói riêng. Càng thương tiếc, xót xa cho nam sinh đang trong độ tuổi trưởng thành, tương lai rộng mở phía trước, dư luận càng phẫn nộ và đặt câu hỏi về trách nhiệm của thầy giáo và nhà trường bấy nhiêu.

Khi cho con đến trường, giáo viên là những người được cha mẹ đặt trọn lòng tin rằng đây sẽ là những người đồng hành cùng mình để mắt, chăm sóc, dạy bảo con. Cũng chính bởi thế, người giáo viên cần có những đức tính đặc thù, đặc biệt là tính trách nhiệm. Nếu giáo viên chỉ cần lơ là trách nhiệm, rất có thể những tình huống thương tâm sẽ xảy ra như câu chuyện của nam sinh lớp 9 vừa bị đuối nước. 

Giáo viên cần có lời thề trách nhiệm như lời thề Hippocrates - 1

Độc giả Dân trí cho rằng, dạy bơi là nghề dạy học liên quan đến tính mạng con người. Nó cần được xem trọng như nghề y (Ảnh minh họa).

Độc giả Hồng Minh: "Giáo viên là người được ủy thác thay thế bố mẹ khi trẻ ở trường, là người chịu trách nhiệm trông coi, giám sát trẻ. Chính vì vậy đức tính đầu tiên cần có của người giáo viên chính là sự trách nhiệm. Sự việc đáng tiếc của nam sinh lớp 9 này thể hiện sự tắc trách của giáo viên".

Với độc giả Như Quỳnh, sự an toàn của con trong thời gian ở trường là điều được ưu tiên bậc nhất: "Nguy hiểm có thể xảy ra với học sinh ở bất cứ đâu trong trường học. Cha mẹ học sinh đã tin tưởng gửi gắm con cho nhà trường, thì thiết nghĩ những người làm nghề giáo cũng nên làm việc có trách nhiệm, ít nhất là giúp con họ an toàn trong thời gian ở trường, sau đó mới là truyền đạt kiến thức, giúp con họ có những trải nghiệm tích cực tại trường.

Nghề giáo là nghề đòi hỏi trách nhiệm cao với công việc. Một phút lơ là của giáo viên cũng có thể gây nguy hiểm cho những đứa trẻ vô tội".

Độc giả Sa: "Thầy giáo này còn rất trẻ, mình cảm giác bạn ấy chỉ coi đây là công việc kiếm tiền chứ không có trách nhiệm và vô cảm với học sinh. Chính vì vậy nên khi tiết học kết thúc bạn cũng không nắm được sĩ số lớp bị thiếu".

Độc giả Thu Hà: "Nghề giáo viên là một nghề rất đặc thù. Tôi vẫn nói với bạn bè rằng, nếu thấy bản thân không đủ trách nhiệm thì không nên theo nghề giáo viên, không nên làm việc trong trường học.

Ai cho con đến trường cũng muốn con nên người, nhưng hơn hết là muốn con được an toàn, khỏe mạnh. Vẫn biết nghề giáo là nghề vất vả, một vài thầy cô phải để mắt đến hàng chục trẻ là điều không dễ dàng và rất nhiều áp lực. Thế nhưng điều này có nghĩa, người chọn nghề giáo viên càng cần có thật nhiều trách nhiệm bởi trẻ nhỏ quá hiếu động và chỉ chểnh mảng một chút là hậu quả đôi khi phải trả giá bằng cả tính mạng".

Độc giả Lam Huong: "Tắc trách thật. Với những bộ môn này phải thực sự giám sát cẩn thận, kể cả học sinh biết bơi thầy giáo cũng phải túc trực liên tục vì chuột rút hoặc các sự cố không mong muốn đưa đến. Đây cũng là bài học đắt giá cho tất cả giáo viên, kể cả những bộ môn vận động ngoài trời".

Độc giả HH: "Ngành giáo dục cần ra tiêu chuẩn cho bể bơi học đường. Giáo viên phải được đào tạo tốt và yêu cầu tuyển dụng cao. Bể bơi học đường phải có nhân viên cứu hộ được đào tạo bài bản. Cần quy định số học sinh trong mỗi tiết học bơi như tiêu chuẩn quốc tế (5-7 học sinh/ tiết học). Nếu bể bơi không đạt tiêu chuẩn cần nghiêm cấm hoạt động".

Tại sao giáo viên lại được sử dụng điện thoại trong giờ làm việc?

Một trong những điều khiến phụ huynh bức xúc nhất đó là ngay trong thời gian làm việc, giáo viên Trần Lâm Thắng thay vì giám sát học sinh lại chỉ ngồi một vị trí và thường xuyên sử dụng điện thoại di động. Sau khi học sinh lên bờ, người này cũng không phát hiện nhóm học sinh thiếu đi một em. 

Không ít ý kiến đặt ra câu hỏi về lý do Trần Lâm Thắng sử dụng điện thoại trong giờ dạy và xa hơn là tác động của thực trạng nghiện công nghệ, nghiện điện thoại trong xã hội hiện đại.

Giáo viên cần có lời thề trách nhiệm như lời thề Hippocrates - 2

Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam, nơi xảy ra vụ việc nam sinh lớp 9 tử vong do đuối nước (Ảnh: báo Dân Việt).

Độc giả Đỗ Minh Hùng: "Nhà trường cấm học sinh mang điện thoại tới trường, nhưng sao giáo viên được sử dụng điện thoại trong giờ làm việc như thế thì làm sao tập trung dạy học được. Đề nghị cấm cả giáo viên mang điện thoại vào trong lớp học".

Độc Nguyễn Quang Hiếu: "Điện thoại chỉ là "cục sắt" mà sao nhiều người nghiện như thế. Người này phải chịu án theo pháp luật và án theo lương tâm người thầy nữa... Bài học kinh nghiệm nhớ đời cho ai nghiện điện thoại".

Độc giả Ngọc Thư cho rằng vụ việc đau lòng ở bể bơi trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam không chỉ là vấn đề trách nhiệm của giáo viên mà còn gióng lên hồi chuông về thực trạng nghiện điện thoại của xã hội hiện đại. Đây là hệ quả  xã hội hiện nay đang nghiện công nghệ, ai ai cũng "chúi mặt" vào điện thoại.

Độc giả Thanh Quý: "Cần cấm sử dụng điện thoại trong giờ dạy học và tăng cường nhân viên hỗ trợ lớp học bơi".

Độc giả Hồng Minh lại cho rằng việc để giáo viên xem điện thoại là điều không nên cấm vì nhiều khi là lời nhắn của phụ huynh đối với con nên cũng cần thiết. "Tuy nhiên nên xem vào giờ ra chơi, giờ nghỉ, còn khi đang trong giờ dạy học, ngành giáo dục cần nghiêm túc chấn chỉnh và nâng cao ý thức của những người làm thầy. Rất cần có những khóa huấn luyện về kỹ năng, về ý thức tổ chức và trách nhiệm trước khi đứng lớp của giáo viên".

Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, mỗi năm Việt Nam có gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Để hạn chế những vụ việc đau lòng, việc dạy bơi cho trẻ ngày càng được gia đình và nhà trường chú trọng. Tuy nhiên so với các bộ môn khác môn bơi lội là một môn học đặc thù, đòi hỏi phải có đầy đủ yếu tố đảm bảo an toàn cũng như sự trách nhiệm cao của người giáo viên.

Xin được kết bài bằng ý kiến của độc giả Hoàng Hồng: "Dạy bơi là nghề dạy học liên quan đến tính mạng con người. Nó cần được xem trọng như nghề Y. Giáo viên cần được học về trách nhiệm và có lời thề trách nhiệm như lời thề Hippocrates. Giáo viên cần luôn đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu".

Hải Đăng