Vướng cảnh "làm ít, chi nhiều", gia đình 6 miệng ăn chật vật thời bão giá

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Thu nhập bấp bênh mà khoản chi hàng tháng liên tục tăng, nhiều lao động đang cố tìm mọi cách để kiếm thêm, bù phần nào mức chi tiêu vượt cả thu nhập.

"Làm 10 đồng, ăn 11 đồng"

Lết về sau một ngày đi rạc chân chỉ bán được 80 tờ vé số, ông Văn Khôn (57 tuổi, ngụ tại huyện Nhà Bè, TPHCM) ngồi phịch xuống nền nhà nóng sực, xoa bóp đôi chân đau nhức. Ngỡ tuổi già sẽ được nghỉ ngơi, ông Khôn và vợ giờ đây phải lao động chân tay để hỗ trợ con gái đang cảnh chật vật.

Người đàn ông tâm sự, con gái ông - chị Ngoan, 33 tuổi, là công nhân ở công ty Pouyuen - đang sống tại Bình Dương. Cuộc sống công nhân khó khăn, chị Ngoan đành gửi 3 con nhỏ về ngoại nhờ bố mẹ nuôi giúp.

Vướng cảnh làm ít, chi nhiều, gia đình 6 miệng ăn chật vật thời bão giá - 1

Vợ chồng ông Khôn cùng 3 cháu sống trong căn nhà nhỏ. Các cháu đều đã đủ tuổi đi học nhưng chỉ bé lớn nhất được đến trường (Ảnh: Nguyễn Vy).

Trước đây, chị Ngoan thỉnh thoảng gửi tiền về phụ bố mẹ nuôi con. Nhưng nhiều tháng qua, chị bị giảm giờ làm, giảm lương. Thu nhập không còn như trước, không cả đủ sức nuôi bản thân, phải vay mượn khắp nơi. Từ đó, vợ chồng ông Khôn không chỉ gồng mình nuôi 3 cháu, nay còn phải gom tiền phụ con gái trả nợ.

Vợ ông Khôn, bà Bé Thủy (55 tuổi), hằng ngày làm tạp vụ kiếm tiền. Từ khi con gái bị giảm thu nhập, tài chính gia đình bấp bênh, bà phải xin thêm một công việc khác. 

Mỗi tháng, thu nhập của cả hai ông bà chỉ khoảng 8 triệu đồng. Các khoản chi thì ngày một tăng. 

"Sữa, thức ăn đều nhờ mạnh thường quân cho nên mới đỡ được một phần chi phí. Trời nóng bức, bọn nhỏ lại dễ bệnh nên chúng tôi phải mở điều hòa, tiền điện thôi đã gần cả triệu đồng mỗi tháng. Nếu không có mạnh thường quân giúp đỡ, chúng tôi cũng không biết xoay xở thế nào", bà Thủy rầu rĩ.

Vướng cảnh làm ít, chi nhiều, gia đình 6 miệng ăn chật vật thời bão giá - 2

Khi đồng lương không đủ chi tiêu, gia đình 5 miệng ăn phải quen dần với cảnh rau luộc, trứng chiên triền miên (Ảnh: Nguyễn Vy).

Đứa cháu ngoại lớn nhất của bà Thủy đã 13 tuổi, nhưng năm nay mới vào lớp 1. Vì trước đó gia đình không điều kiện, cháu phải ở nhà trông em, phụ ông ngoại đi bán vé số. Nhờ mạnh thường quân biết đến, cô bé mới được học miễn phí ở trường địa phương.

"Hai đứa cháu còn lại cũng đã đến tuổi đi học nhưng chúng tôi không có điều kiện để lo. Mỗi khi nghe cháu hỏi khi nào được đến trường, tôi và chồng cố nuốt nước mắt mà trấn an. Bữa ăn hằng ngày đã thiếu trước hụt sau, lấy đâu ra tiền cho các cháu đi học", bà Thủy rưng rưng.

Sợ cảnh thiếu hụt mỗi tháng, vợ chồng bà Thủy chỉ dám ăn rau luộc với cơm, đôi ba ngày mới dám nấu một bữa có chút thịt, cá. Giờ đây, hai vợ chồng già chỉ mong con gái được đi làm bình thường, được tăng ca, có thêm thu nhập cùng lo cho bọn trẻ để ông bà đỡ cảnh chật vật tuổi già.

Chưa bị sa thải, nhưng nữ công nhân Bích Tuyền (35 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân) cũng bị giảm giờ làm, thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề. Thu nhập giờ chỉ còn 7 triệu đồng/tháng, công việc của chồng lại đang bấp bênh, nguồn thu của cả nhà được không đáng bao nhiêu.

Sinh hoạt hàng ngày lại toàn những khoản không thể cắt xén hơn nữa. Riêng tiền ăn, tiền học của 2 con mỗi tháng đã ngốn hơn 7 triệu đồng. Ngoài khoản chi tiêu cho gia đình 4 miệng ăn còn đủ việc khác phải tính.

Vướng cảnh làm ít, chi nhiều, gia đình 6 miệng ăn chật vật thời bão giá - 3

Thu nhập trước đây chỉ vừa đủ lo cuộc sống sinh hoạt, nay lại bị giảm lương khiến chị Tuyền phải làm 2 việc cùng lúc (Ảnh: Nguyễn Vy).

Những ngày phải nghỉ việc, chị nhận hành về lột vỏ kiếm tiền, tiền công 5.000 đồng/kg. Mỗi ngày cố gắng lắm cũng chỉ làm được khoảng 7 kg. Chị Tuyền lo thắt ruột, trường hợp bị sa thải nữa, không biết phải xoay sao.

Trốn phố về quê khi thu nhập không đủ sống

Đặt con nhỏ hơn 1 tuổi đã ngủ say xuống, chị Bùi Ngọc Hạnh (25 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM) lật đật ngồi may cho xong chiếc áo mới làm được một nửa. Chị Hạnh cho biết, kể từ khi bị sa thải ở nhà máy, chị nhận quần áo về may để kiếm chút tiền bù đắp thu nhập. Mỗi tháng, chị phụ chồng được 2-3 triệu đồng nhờ công việc này.

Chồng chị làm nghề thợ hồ, đến tối chạy xe ôm thêm. Nếu mọi việc thuận lợi cả tháng, anh cũng kiếm được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nhưng đến mùa mưa, hai vợ chồng đành tằn tiện, cắt giảm tối đa mọi chi tiêu.

Những tháng "giáp hạt", hở chút là rơi vào cảnh thiếu hụt, đôi vợ chồng sợ cảnh "ăn trước, trả sau" nên không dám nghỉ tay ngày nào.

Vướng cảnh làm ít, chi nhiều, gia đình 6 miệng ăn chật vật thời bão giá - 4

Vì thu nhập thấp hơn chi phí sinh hoạt, vợ chồng chị Hạnh buộc phải quay về quê nhà (Ảnh: Nguyễn Vy).

3 năm trước, vợ chồng chị cùng là công nhân ở Công ty TNHH Tỷ Hùng. Mức lương khi đó chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, không nhiều nhưng ổn định, đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Mọi thứ đảo lộn khi chị Hạnh nhận tin có tên trong danh sách giảm biên chế, nằm trong đợt sa thải đầu tiên của công ty hồi tháng 6 năm ngoái. Rồi chồng chị cũng mất việc.

"Lúc đó, vợ chồng tôi cuống cuồng đi tìm việc mới. Chúng tôi đã thử xin việc ở công ty khác nhưng không được, vậy nên anh ấy mới xin đi làm phụ hồ, lái xe ôm, còn tôi ở nhà may quần áo. Tôi ở nhà làm để tiết kiệm tiền, không phải gửi các con ở nhà trẻ", chị Hạnh bộc bạch.

Vướng cảnh làm ít, chi nhiều, gia đình 6 miệng ăn chật vật thời bão giá - 5

Xóm trọ đìu hiu vì nhiều lao động đã bỏ về quê, khi đồng lương không còn đủ xoay xở sống (Ảnh: Nguyễn Vy).

Từ Long An lên TPHCM hơn 7 năm, chị Bùi Ngọc Hạnh cho hay số tiền tích cóp rất ít. "Lo bữa cơm hàng ngày đã đau đầu rồi, nói chi đến dư dả. Giờ cái gì cũng lên giá mà thu nhập cứ mãi ì ạch", chị chia sẻ.

Hỏi đến chuyện bỏ phố về quê, chị Hạnh gật đầu xác nhận, cố gắng nốt năm nay rồi gia đình chị sẽ cùng về Bạc Liêu quê chồng.

"Chúng tôi tranh thủ về sớm để cho con kịp đến trường. Về quê thời gian đầu chắc còn khó khăn, nhưng tôi nghĩ cũng đỡ áp lực, chật vật hơn trên này", chị Hạnh trải lòng.

Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thu nhập trung bình của người lao động hiện ở mức 7,8 triệu đồng/tháng. Trong đó, có đến 75,5% người lao động cho biết thu nhập không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu cơ bản; 11,2% phải làm thêm việc khác để kiếm tiền.

Thực tế, chi tiêu năm 2023 tăng 19% so với năm 2022, với tổng mức chi tiêu là gần 12 triệu đồng/người/tháng. Người lao động chi tiêu nhiều hơn cho lương thực thực phẩm, chiếm gần 70%.

Bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay, chi phí lương thực thực phẩm đã tăng nên nếu lương không tăng, cuộc sống của công nhân lao động sẽ gặp khó khăn.

Qua khảo sát, hơn 53% người lao động vì tiền lương mà cân nhắc đến việc lập gia đình, sinh con... hay không; tiền lương không đủ lo cho con ở thành phố nên phải gửi về quê.

"Thực tế, một bộ phận người lao động có thu nhập cao hơn lương tối thiểu. Song, nhiều doanh nghiệp tìm cách cắt giảm các khoản chi khác nên thực tế thu nhập của người lao động không tăng", Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhận định.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang thảo luận phương án điều chỉnh lương tối thiểu theo hướng để cải thiện đời sống của người lao động nhưng cũng chia sẻ với doanh nghiệp, giúp ổn định nền kinh tế.

"Qua khảo sát, mong muốn của người lao động là tăng lương tối thiểu ít nhất 6-8%", bà Lan nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thái Dương, Phó Chủ tịch Công đoàn dệt may Việt Nam cho biết, cán bộ công đoàn mong muốn người lao động có việc làm, tăng thu nhập.

Song, doanh nghiệp liên tục gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm hơn 20%, tương đương gần 4 tỷ USD. Số công nhân mất việc lên đến hơn 600.000 người.