Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi:

Bước chuyển mình nơi xã nghèo

Tiến Thành

(Dân trí) - Nhờ công tác vận động, hướng dẫn bà con thay đổi tư duy, phát triển kinh tế cũng như triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ, đời sống đồng bào dân tộc tại xã Trọng Hóa đang ngày một nâng lên.

Thay đổi từ tư duy

Trước đây, gia đình anh Hồ Đăm, trú bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình rất khó khăn. Cũng như nhiều hộ đồng bào dân tộc khác ở xã Trọng Hóa, cuộc sống của gia đình Hồ Đăm chủ yếu dựa vào rừng để đắp đổi qua ngày. 

Hồ Đăm và nhiều hộ đồng bào dân tộc ở Trọng Hóa nghèo bởi nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những yếu tố cốt lõi là chưa biết cách làm ăn, thiếu kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi và còn cả tư duy trông chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Bước chuyển mình nơi xã nghèo - 1

Bà con tham gia trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: Tiến Thành).

Thế nhưng, những năm gần đây, nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự tuyên truyền tích cực của các ban, ngành, địa phương, suy nghĩ của Hồ Đăm đã thay đổi. Anh nhận thức rõ, muốn vợ con không thiếu đói, có cái ăn, cái mặc thì phải học làm kinh tế, do vậy Hồ Đăm đã hăng hái lao động, sản xuất. 

Với sự hỗ trợ của cán bộ xã Trọng Hóa cũng như lực lượng biên phòng, Hồ Đăm tham gia các lớp tập huấn, đi học hỏi các mô hình kinh tế hộ gia đình, tìm hiểu các nguồn vốn để vay và đầu tư, từng bước cải thiệt cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

"Nhờ được cán bộ chỉ dạy nhiều cách làm hay, đã biết trồng rừng, chăn nuôi con bò, con lợn làm sao cho năng suất, chất lượng và còn biết nhiều cái hay khác để áp dụng vào cuộc sống. Nhờ vậy mà nhà mình không còn thiếu cái ăn nữa, đã thoát nghèo được rồi", Hồ Đăm tươi cười nói.

Bước chuyển mình nơi xã nghèo - 2

Dân bản ở Trọng Hóa đang nỗ lực thoát nghèo từ mỗi hộ gia đình, góp phần xây dựng bản làng đi lên (Ảnh: Tiến Thành).

Không chỉ Hồ Đăm, nhiều hộ đồng bào dân tộc khác ở xã Trọng Hóa bây giờ đã không còn đi phá rừng trái phép nữa mà đã biết trồng rừng kinh tế, làm giàu vốn rừng và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Nhiều hộ gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn từng bước vươn lên làm giàu.

Theo ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, để đạt được những kết quả như trên, thời gian qua, ngoài các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thì việc tuyên truyền, thay đổi tư duy của bà con dân bản là điều hết sức quan trọng. Khi bà con biết cách làm kinh tế, nỗ lực thoát nghèo từ mỗi hộ gia đình sẽ góp phần xây dựng bản làng đi lên.

Hiệu quả từ chương trình mục tiêu Quốc gia

Trọng Hóa là xã biên giới của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đây là địa phương có địa bàn rộng, nơi sinh sống của 900 hộ dân với gần 4.500 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, Chứt…

Ông Hồ Phin, cho biết những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của ban, ngành các cấp, đời sống bà con đã được nâng lên rõ rệt, nhiều nét đổi mới. 

Những kết quả tích cực mà địa phương đạt được một phần nhờ vào tính hiệu quả từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ nguồn kinh phí của chương trình này, xã Trọng Hóa đã vận dụng nhanh chóng, phù hợp để mang lại lợi ích cao cho bà con đồng bào.

Bước chuyển mình nơi xã nghèo - 3

Một bản làng của đồng bào dân tộc tại xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Ảnh: Tiến Thành).

Hiện xã Trọng Hóa đã đầu tư 700 triệu đồng thực hiện dự án thủy lợi làm lúa nước tại bản Lòm - Ka Chăm, đồng thời triển khai thực hiện mô hình lúa nước tại nhiều bản khác; hơn 200 triệu đồng hỗ trợ giống cây trồng và phân bón cho đồng bào trong việc trồng cây dổi, một loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, xã Trọng Hóa cũng phân bổ kinh phí đầu tư cho việc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho bà con đồng bào. Cuộc sống bà con gắn với rừng, chính quyền phân bổ hơn 1,2 tỷ đồng cho việc chi hỗ trợ khoán bảo vệ rừng trong thời gian dài.

Bước chuyển mình nơi xã nghèo - 4

Con đường vào bản Ông Tú, xã Trọng Hóa được bê tông hóa, tạo thuận lợi trong việc đi lại của bà con dân bản (Ảnh: Tiến Thành).

Để phát triển kinh tế dưới tán rừng xanh theo chuỗi giá trị, chính quyền Trọng Hóa đầu tư gần 300 triệu đồng cho mô hình tổ hợp tác chăn nuôi dê cỏ tại bản Dộ - Tà Vờng; xây dựng phương án phát triển mô hình nuôi dê cỏ tại bản Ông Tú; khuyến khích người dân trồng rừng bằng các giống cây rừng bản địa, như: lim, trắc, trầm dó, trám, vàng tim…

Ngoài ra, tận dụng nguồn lực từ chương trình mục tiêu Quốc gia, chính quyền Trọng Hóa đã đầu tư nhiều cho công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Cụ thể đã thành lập các đội văn nghệ truyền thống, mua sắm nhiều thiết bị loa máy cùng 10 bộ trang phục truyền thống của đồng bào.

Cùng với đó, Trọng Hóa đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng thực hiện dự án xây dựng nhà văn hóa của xã, là nơi để đồng bào tụ họp trong các sự kiện quan trọng của địa phương.

Đổi thay bản nghèo

Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã biên giới Trọng Hóa đang từng bước đổi thay.

Bước chuyển mình nơi xã nghèo - 5

Mô hình lúa nước tại bản Dộ - Tàng Vờng, xã Trọng Hóa (Ảnh: Tiến Thành).

Những mô hình sinh kế, những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng, giao đất giao rừng và cả chuyện chăm sóc sức khỏe, giữ gìn văn hóa bản địa đã được địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Đến nay, hệ thống giao thông từ trung tâm xã đến các bản làng tại xã Trọng Hóa đều đã được cứng hóa; 100% số hộ trong xã đã có điện sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất; các trường học trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của con em đồng bào trong xã.

Bước chuyển mình nơi xã nghèo - 6

Đời sống bà con dân bản tại xã Trọng Hóa đang ngày một nâng lên (Ảnh: Tiến Thành).

Là một trong những hộ đồng bào dân tộc đi đầu trong công tác phát triển kinh tế, ông Hồ Khiên, trú bản Dộ - Tà Vờng, xã Trọng Hóa, chia sẻ, nhờ có sự hỗ trợ, tư vấn từ chính quyền địa phương, ông và nhiều gia đình khác đã mạnh dạn đầu tư để chăn nuôi, mở rộng diện tích lúa nước. Nhờ vậy mà bà con không còn cảnh thiếu ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo.

"Trước đây đói khổ, thiếu ăn, cứ phải vào rừng bẻ măng, bắt cá, săn thú. Giờ được cán bộ hướng dẫn, giúp đỡ, gia đình tôi có ruộng lúa, nuôi được nhiều dê, bò nên không còn phải lo đói nữa. Đời sống bà con được nâng lên, học sinh được đi học đầy đủ, có điện, đường giao thông thuận lợi, ai cũng vui cả", ông Hồ Khiên nói.

Bước chuyển mình nơi xã nghèo - 7

Quảng Bình có 2 dân tộc thiểu số chính là Bru-Vân Kiều và Chứt với trên 5.600 hộ, khoảng 24.500 nhân khẩu, chiếm khoảng 2,3% dân số của tỉnh (Ảnh: Tiến Thành).

Chính quyền xã Trọng Hóa đang thực hiện giải ngân cho các hạng mục liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, việc chi trả phụ cấp cho cô đỡ thôn bản tại 8 bản của xã, chi hỗ trợ thiết bị y tế cho trạm y tế cấp xã đã được thực hiện. Các khoản chi cho công tác hỗ trợ bà mẹ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi đã được xây dựng phương án chi trả.

"Chưa bao giờ tôi thấy bản làng cũng như đời sống của bà con có sự thay đổi lớn như hôm nay. Từ cuộc sống phụ thuộc vào việc trồng lúa rẫy bấp bênh, hiện nay, bà con đã biết chăn nuôi thêm con bò, con dê; trồng rừng kinh tế. Con cháu trong bản đều được đến trường học cái chữ… Bà con rất phấn khởi và luôn tin tưởng vào đường lối của Ðảng, Nhà nước", ông Hồ Kinh, trú bản Ra Mai, xã Trọng Hóa nói.

Công tác vận động, hướng dẫn bà con thay đổi tư duy, phát triển kinh tế tại xã Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) góp phần thực hiện hiệu quả Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Tỉnh Quảng Bình có 2 dân tộc thiểu số chính là Bru-Vân Kiều và Chứt với trên 5.600 hộ, khoảng 24.500 nhân khẩu, chiếm khoảng 2,3% dân số của tỉnh. Dân tộc Bru - Vân Kiều gồm 4 tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì.

Dân tộc Chứt gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng. Các dân tộc thiểu số còn lại với số dân không nhiều như: Thổ, Mường, Tày, Thái, Pa cô...