Tâm điểm
Hoàng Anh Tú

Đồng phục học sinh và nghi vấn kinh doanh

Khi nói về trường học hạnh phúc, tôi nghĩ rằng chỉ dấu đầu tiên phải nói đến đó là đứa trẻ yêu thích và tự hào khi mặc trên mình bộ đồng phục của trường. Bởi tụi trẻ đơn giản lắm. Yêu ghét rõ ràng. Chúng yêu trường chúng sẽ mặc bộ đồng phục đó như một cách tự hào về ngôi trường chúng đang theo học.

Tất nhiên, không thể nói rằng mọi đứa trẻ tự hào với trường đều yêu thích đồng phục của trường. Nhất là với những đứa trẻ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, cái tuổi quan tâm đến quần áo nhiều hơn. Nên tôi cũng rất thích những ngôi trường cấp 2, cấp 3 luôn tổ chức trưng cầu ý kiến học sinh với những bộ đồng phục của trường trước khi quyết định chọn mẫu nào. Tôi cho rằng đó chính là tính dân chủ của nhà trường- một yếu tố cấu thành trường học hạnh phúc.

Chúng ta đều biết ý nghĩa của đồng phục học sinh nhằm xóa bỏ phân cấp giàu nghèo, giúp học sinh nhận được sự đối xử công bằng trong cùng một bộ quần áo. Bên cạnh đó, đồng phục còn gửi gắm tinh thần đoàn kết, giúp quản lý học sinh một cách dễ dàng hơn, tăng cường năng lực an ninh bảo vệ học sinh tốt hơn.

Đồng phục học sinh và nghi vấn kinh doanh - 1

Đồng phục gửi gắm tinh thần đoàn kết, giúp quản lý học sinh một cách dễ dàng hơn (Ảnh minh họa: Canva)

Thế nên, dù là người không thực sự thích việc con mình bị "đúc một khuôn", thì tôi vẫn ủng hộ các con mặc đồng phục. Có lẽ cũng vì tôi sinh ra trong thời "văn mẫu" "con ngoan" nên tôi sợ những đứa trẻ hôm nay bị "đúc cùng một khuôn"  trong bộ đồng phục trường. Thậm chí còn dị ứng nếu như trường các con sử dụng đồng phục như cách quảng bá thương hiệu trường, kéo theo việc những bộ đồng phục ngày càng đắt đỏ do được may, thiết kế bởi những loại vải đắt nhất, xịn nhất, sang nhất. Nhìn nhiều trường quốc tế, đồng phục còn bao gồm cả mũ, nón, giày, cravat, áo yếm… Chưa kể đồng phục thể dục, đồng phục truyền thống, đồng phục nghi lễ… 

Nhiều trường thực sự coi đồng phục học sinh như một bộ sưu tập kiểu… "media kit" (bộ tài liệu truyền thông- bản chào hàng về trường).

Tuy nhiên, từ chính thực tế của gia đình mình, tôi thấy đồng phục cũng có một ý nghĩa rất… kinh tế. Đó là việc 3 đứa con tôi mặc đồng phục giúp vợ chồng tôi cắt giảm chi phí kha khá trong việc mua quần áo cho con. Vì tụi nhỏ chỉ cần mặc quần áo khác trong 2 hôm thứ Bảy và Chủ Nhật. Nó thực sự là một khoản tiết kiệm kha khá với nhiều cha mẹ. Cho đến khi đọc được bài báo về một trường nọ thay đổi đồng phục… theo năm. Thật sự chẳng khác nào thời trang theo mùa. Nếu làm như vậy thì đúng là gánh nặng cho nhiều cha mẹ.

Như nhà tôi, 3 anh chị em học cùng một trường, áo chị năm trước năm sau em mặc vẫn vừa. Nếu thay đổi theo năm có nghĩa là dù đứa trẻ chưa đổi cỡ thì áo xưa vứt lại. Đó thực sự là một lãng phí mà tôi nghĩ là nhà giáo chân chính chẳng ai làm thế. Nó đi ngược với những gì chúng ta đang dạy trẻ. Tôi nghĩ, đó là sự phản giáo dục. Thậm chí có thể đặt nghi vấn kinh doanh ở đây.

Một bộ đồng phục học sinh khác với một bộ đồng phục công ty ở chỗ đồng phục công ty là do công ty tự chi tiền và cấp cho nhân viên. Còn đồng phục học sinh lại lấy từ tiền túi phụ huynh. Thế nên nói nghi vấn kinh doanh thật sự chẳng phải là đổ tội. Cho dẫu biên lai thu chi có rõ ràng đến mức nào, minh bạch ra sao đi chăng nữa thì phụ huynh vẫn là người thiệt thòi nhất. Là còn chưa kể việc thầy cô giáo bỉ bai học sinh không mặc đồng phục thì càng là một hành động phản giáo dục. Một ngôi trường như vậy thật khó để nói đó là ngôi trường mà cha mẹ yên tâm cho con mình theo học.

Tôi luôn ủng hộ triết lý trường học hạnh phúc và mong mọi ngôi trường đều hướng đến triết lý đó. Một trường học hạnh phúc bắt đầu từ thầy cô hạnh phúc. Bởi tôi luôn nghĩ rằng thầy cô có hạnh phúc thì mới tạo ra được những đứa trẻ hạnh phúc. Họ không thể dạy - cho đi thứ họ không có được. Cũng như nếu họ không nghĩ đến gánh nặng của các phụ huynh mà chỉ nghĩ đến "bộ mặt" của mình thì thật khó để dạy lũ trẻ của chúng ta ý nghĩa thực sự của hạnh phúc được.

Làm sao có đứa trẻ nào yêu nổi một ngôi trường đang "tận thu" cha mẹ chúng? Làm sao đứa trẻ biết nghĩ nào vui học được khi cha mẹ kiệt quệ với những loại phí chồng phí của trường? Hôm nay chúng có thể vô tư chưa biết nhưng mai này chúng sao có thể vô tâm khi nhớ lại? Giáo dục nào phải chỉ là thu tiền bán chỗ? Thầy trò - học sinh với nhà trường cũng đâu phải mối quan hệ khách hàng - chủ doanh nghiệp? Chúng ta dạy gì lũ trẻ của chúng ta vậy?

Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!